Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 156 0
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 1760/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 02/6/2021 về việc đề nghị tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định nói trên. Đối tượng được lấy ý kiến bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng chuyên môn thuộc Sở và Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính về xử phạt vi phạm hành chính; các yêu cầu của việc quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước và công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Phần lớn các thành viên được lấy ý kiến đều cho rằng việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trong thời điểm hiện tại là thật sự cần thiết nhằm bảo đảm các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) được áp dụng chính xác, thống nhất trong phạm vi toàn quốc và thực hiện tốt vai trò quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước.

Ngoài ra, các thành viên được lấy ý kiến đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc lại quy định đối tượng xử phạt là “cộng đồng dân cư” vì không thể coi “cộng đồng dân cư” là cá nhân để xử lý vi phạm hành, quy định như trên sẽ khó khăn trong việc xác định đối tượng xử phạt và áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt, không đảm bảo tính khả thi khi áp dụng thực hiện; đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa lại quy định tại khoản 6 Điều 2 Dự thảo: Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính, trong khi đó, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao thì bị xử phạt vi phạm hành chính; đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định cụ thể nguyên tắc xác định mức phạt tiền và nguyên tắc xác định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có một tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tại Điều 3 dự thảo Nghị định; đề nghị cân nhắc, xem xét chỉ quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm phải căn cứ vào yêu cầu là “phải gây ra hậu quả”, không quy định đối với yêu cầu “có khả năng thực tế gây ra hậu quả”; đề nghị cân nhắc bỏ quy định “...Trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực này nhưng do tính chất vi phạm đặc thù của hành vi đó, thì có thể quy định trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực khác, nhưng hình thức, mức xử phạt của các nghị định phải thống nhấtđể đảm bảo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần” quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính và tránh sự chồng chéo về thẩm quyền xử phạt; đề nghị xem xét lại quy định “Đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện và đã kết thúc thì văn bản được áp dụng để xử phạt là văn bản đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm” tại điểm a khoản 2 Điều 7 Dự thảo vì quy định này mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều này và mâu thuẫn với Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Ban soạn thảo nên xem xét, kéo dài thời gian lập biên bản vi phạm hành chính kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính là “03 ngày làm việc,kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính” và thời gian lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp vụ việc vi phạm hành chính phức tạp là “07 ngày làm việc,kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính”; Dự thảo quy định biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt, vậy biên bản xác minh có phải là văn bản có hiệu lực pháp lý xác định tính hợp pháp của quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay không, Ban soạn thảo cần làm rõ quy định này trong Dự thảo; đề nghị xem xét lại quy định trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa hoặc tại khu vực biên giới, hải đảo vì nếu biên bản được lập vào cuối ngày thứ Sáu hoặc cuối ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ lễ, tết thì việc quy định thời hạn chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt trong 24 giờ là chưa phù hợp, không đảm bảo thời gian thực hiện,…

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây