Nghị định quy định về trình tự thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; trình tự thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên; việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Phần lớn các thành viên được lấy ý kiến đều cho rằng việc ban hành Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường thị trấn là thật sự cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Luật Phòng, chống ma túy năm2021; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bấp cập xuất phát từ các quy định của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn tổ chức thi hành các Nghị định này.
Ngoài ra, các thành viên được lấy ý kiến đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như: Đối với việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng khi quyết định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Ban soạn thảo nên viện dẫn đến Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể “lần cuối” thực hiện hành vi vi phạm trong thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại Điều 4 Dự thảo để dễ áp dụng thực hiện trong thi hành pháp luật; đề nghị quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình của người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách UBND cấp xã trong trường hợp UBND cấp xã không có Chủ tịch; đối với việc sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, Ban soạn thảo nên xác định cụ thể nội dung “làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định” để thống nhất và tránh sự tùy nghi trong áp dụng thực hiện; Dự thảo không quy định việc xác định tình trạng nghiện của đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (chỉ quy định việc xét nghiệm chất ma túy), do vậy, đề nghị bỏ cụm từ “và xác định tình trạng nghiện” trong tiêu đề của Điều 17 và khoản 1 Điều này cho phù hợp theo quy định;…
Tác giả bài viết: Thu Thảo