Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử phạt một trong các hình thức xử phạt chínhlà cảnh cáo, phạt tiềnhoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: (1) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; (2) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; (3) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
Về biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau: (1) Buộc trả lại đất đã bị lấn chiếm tại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; (2) Buộc trả lại tài nguyên thông tin đã đánh tráo hoặc chiếm dụng; (3) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo hoặc buộc tháo dỡ biển hiệu; (4) Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân; (5) Buộc hoàn lại số tiền có được do thực hiện hành vi vi phạm; (6) Buộc tháo gỡ phim, bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số; (7) Buộc thu hồi giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim; văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật; văn bản chấp thuận tổ chức thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn; văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài; giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; giấy phép sao chép tác phẩm mỹ thuật về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ; giấy phép tổ chức triển lãm; giấy phép triển lãm mỹ thuật; giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng; văn bản chấp thuận tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật; giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh; giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật; chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; giấy chứng nhận đăng ký thành lập và hoạt động, giấy phép thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam; (8) Buộc thu hồi danh hiệu, giải thưởng đã trao cho cá nhân đạt giải cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu; (9) Buộc di dời tang vật vi phạm khỏi địa điểm tổ chức triển lãm mỹ thuật hoặc tổ chức trại sáng tác điêu khắc; (10) Buộc loại bỏ nội dung vi phạm ra khỏi phim đã được phép phổ biến; bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã được phép lưu hành; triển lãm; triển lãm mỹ thuật, triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh, trại sáng tác điêu khắc; sản phẩm quảng cáo; (11) Buộc phải đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với phòng chiếu phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim; (12) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm; (13) Buộc bổ sung số lượng bản sách, cơ sở vật chất, tiện ích thư viện và người làm việc bảo đảm theo quy định; (14) Buộc bổ sung tên, địa chỉ người thực hiện quảng cáo; (15) Buộc dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành trên máy trò chơi điện tử không kết nối mạng Internet; (16) Buộc tiêu hủy phim, băng, đĩa hoặc vật liệu chứa nội dung phim; bản ghi âm, ghi hình có nội dung nghệ thuật biểu diễn; (17) Buộc công bố công khai thu hồi danh hiệu, giải thưởng cuộc thi liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn; cuộc thi người đẹp, người mẫu.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo gồm có: Chủ tịch UBND các cấp (Điều 64); Thanh tra (Điều 65); Công an nhân dân (Điều 66); Bộ đội biên phòng (Điều 67); Cảnh sát biển (Điều 68); Hải quan (Điều 69); Quản lý thị trường (Điều 70).
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này, bao gồm: (1) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định từ Điều 64 đến Điều 70 Nghị định này; (2) Công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao; (3) Chỉ huy tàu bay, trưởng tàu, thuyền trưởng đang thi hành nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn được giao có quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm xảy ra trên tàu bay, tàu biển và phương tiện thủy nội địa.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2021. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các văn bản và quy định sau đây hết hiệu lực thi hành: (1) Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa; (2) Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; (3) Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; (4) Khoản 1 và khoản 3 Điều 23 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm./.
Tác giả bài viết: Trần Quốc Đạt