Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịuhình thức xử phạt chínhlà phạt tiền(không áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi).Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (100.000.000 đồng).
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: (1) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật cấy truyền phôi giống vật nuôi có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; (2) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, Chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật cấy truyền phôi giống vật nuôi, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc một sốbiện pháp khắc phục hậu quả sau: (1) Buộc thu hồi giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; (2) Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; (3) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; (4) Buộc tái xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm; (5) Buộc tiêu hủy chất cấm, nguyên liệu không có trong Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, động vật, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi; (6) Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; hủy bỏ kết quả khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi; (7) Buộc sửa đổi thông tin đối với lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo; (8) Hủy bỏ thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (9) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định; (10) Buộc cải chính thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (11) Buộc sử dụng vật nuôi đúng mục đích nhập khẩu; (12) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; (13) Buộc thả chim yến về môi trường tự nhiên; (14) Buộc thực hiện biện pháp giảm tiếng ồn theo quy định; (15) Buộc di dời vật nuôi, trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định; (16) Buộc xử lý nhiệt đối với động vật vi phạm theo quy định; (17) Buộc giảm quy mô chăn nuôi cho phù hợp với khoảng cách theo quy định.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi gồm có: Chủ tịch UBND các cấp (Điều 37); Thanh tra (Điều 38); Công an nhân dân (Điều 39); Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 40); Bộ đội biên phòng (Điều 41); Hải quan (Điều 42); Quản lý thị trường (Điều 43).
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này, bao gồm: (1) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 43 Nghị định này; (2) Công chức, viên chức trong các cơ quan quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 42 và Điều 43 Nghị định này được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính về chăn nuôi; (3) Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân quy định tại Điều 39, Điều 40 và Điều 41 Nghị định này được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2021. Nghị định này bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y./.
Tác giả bài viết: Trần Quốc Đạt