Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử phạt một trong các hình thức xử phạt chínhlà cảnh cáohoặc phạt tiền.Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: (1) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; (2) Trục xuất; (3) Đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Về biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau: (1) Buộc hủy bỏ văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật; (2) Buộc hủy bỏ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học; (3) Buộc tổ chức kiểm tra, đánh giá lại kết quả của người học; (4) Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh; (5) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được; (6) Buộc trả lại hồ sơ, giấy tờ của người học; (7) Buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại; (8) Buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu; (9) Buộc hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ; (10) Buộc hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ; (11) Buộc hủy bỏ bản sao văn bằng, chứng chỉ; (12) Buộc hủy bỏ kết quả công nhận đánh giá hoặc kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; (13) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy tờ, văn bản đã cấp; (14) Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoặc đăng ký hoạt động giáo dục; (15) Buộc dạy đủ số tiết, khối lượng học tập hoặc bố trí dạy đủ số tiết, khối lượng học tập; (16) Buộc tổ chức bảo vệ luận văn, luận án hoặc tổ chức bảo vệ lại luận văn, luận án theo quy định; (17) Buộc đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học; (18) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học; (19) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã chi sai; (20) Buộc thực hiện công khai theo quy định; (21) Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai; (22) Buộc trả lại các khoản chi không đúng quy định từ nguồn vận động tài trợ.
Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này, bao gồm: (a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục(Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh); (b) Công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo; công chức chuyên trách công tác quản lý giáo dục tại các bộ, cơ quan ngang bộ đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; (c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc cơ quan Công an cấp tỉnh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.
Về thẩm quyền xử phạt: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dụcgồm có: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2021. Nghị định này thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chínhtrong lĩnh vực giáo dục./.
Tác giả bài viết: Trần Quốc Đạt