Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 405 0
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử của người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm, đạo đức, uy tín nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, gương mẫu của người thực hiện trợ giúp pháp lý, cụ thể:

1. Quy tắc Trung thực, liêm chính, tôn trọng sự thật khách quan: Đòi hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý phải giữ vững bản lính chính trị, phẩm chất đạo đức, không lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi. Việc tôn trọng sự thật khách quan hướng tới mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

2. Quy tắc Độc lập khi thực hiện trợ giúp pháp lý: Tính độc lập là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của người thực hiện trợ giúp pháp lý, đòi hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện vụ việc phải giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, không bị tác động bởi mối quan hệ hành chính nội bộ, không chịu ảnh hưởng, tác động của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào, đồng thời không được để lợi ích của mình hoặc lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ảnh hưởng đến việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

3. Quy tắc Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý: Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tận tâm, trách nhiệm, sử dụng các kỹ năng, biện pháp cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

4. Quy tắc Bảo mật thông tin trong trợ giúp pháp lý: Yêu cầu người thực hiện trợ giúp pháp lý giữ bí mật đối với thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý mà mình biết được không chỉ trong quá trình thực hiện vụ việc mà ngay cả khi vụ việc đã kết thúc, đồng thời không được sử dụng thông tin mà mình có được để gây bất lợi cho người được trợ giúp pháp lý, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.

5. Quy tắc Ứng xử với người được trợ giúp pháp lý: Quy định về hành vi, ứng xử của người thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người được trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

6. Quy tắc Ứng xử với đồng nghiệp: Quy tắc này xác định trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, góp phần tạo dựng uy tín, sự tin tưởng và tôn trọng của người được trợ giúp pháp lý, của xã hội đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

7. Quy tắc Ứng xử của Trợ giúp viên pháp lý với người tập sự trợ giúp pháp lý: Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người hướng dẫn tập sự cần có bổn phận tận tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp giúp người tập sự tiếp thu kiến thức để họ trưởng thành trong nghề nghiệp, tự tin, vững vàng khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân.

8. Quy tắc Ứng xử với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác: Quy định về các ứng xử đúng mực, phù hợp trong quá trình phối hợp thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác./.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây