Góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 261 0
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Công văn số 3592/BTP-VĐCXDPL ngày 28/9/2020 về việc đề nghị tham gia góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tham gia góp ý dự thảo nêu trên.
Góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

Nội dung của dự thảo Nghị định tập trung vào 02 nhóm vấn đề, gồm: (1) sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (Luật năm 2020); (2) sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc hoặc cản trở công tác xây dựng, ban hành VBQPPL đã được phát hiện trong quá trình triển khai thi hành Nghị định.

Về nội dung góp ý, các đại biểu tham gia góp ý cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP(sau đây gọi là dự thảo Nghị định). Tuy nhiên, để dự thảo Nghị định được đảm bảo đầy đủ hơn, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh một số nội dung sau:

1. Đối với giải thích từ ngữ nội dung “Biện pháp có tính chất đặc thù là cách thức để giải quyết những vấn đề riêng biệt của địa phương phát sinh từ thực tiễn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy tiềm năng của địa phương đó, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật”. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung “phù hợp với đường lối, chủ trương của đảng” cho phù hợp với nội dung được quy định tại Điều 121 Luật Ban hành VBQPPL.

2. Đối với nội dung mới được bổ sung (Điều 29a trách nhiệm xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết), đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan chuyên môn giúp HĐND, UBND tỉnh theo dõi công tác xây dựng nội dung quy định chi tiết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trương cơ quan ngang bộ,…

3. Đề nghị làm rõ vai trò vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc phản biện đối với dự thảo văn bản cho phù hợp với nội dung được sửa đổi tại Luật sửa đổ, bổ sung Luật Ban hành VQPPL năm 2020.

4. Theo quy định, đối với các Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì Chủ tịch HĐND ký chứng thực. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, có một số trường hợp trong cuộc họp HĐND không có Chủ tịch HĐND tham gia vì lý do khách quan. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định bổ sung nội dung “Phó Chủ tịch HĐND chủ trì cuộc họp ký chứng thực thay Chủ tịch HĐND trong trường hợp cuộc họp HĐND không có Chủ tịch HĐND dự…”

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung quy định về đánh giá thủ tục hành chính; nội dung kiểm tra, xử lý văn bản đối với văn bản được ban hành bằng hình thức VBQPPL nhưng nội dung không chứa quy phạm pháp luật; bổ sung một số văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương (Điều 3 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) như Nghị quyết đặt tên đường, tên quảng trường; Nghị quyết chương trình phát triển nhà ở (vì hiện nay chưa được sự thống nhất của địa phương cả nước, có tỉnh quy định bằng hình thức văn bản cá biệt, có tỉnh quy định bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật …)./.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây