Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 341 0
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đối với các hành vi vi phạm hành chính xảy ra ở khu vực biên giới không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáohoặcphạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50.000.000 đồng. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: (a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; (b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, thăm dò tài nguyên, khoáng sản, hải sản, môi trường và giấy phép xây dựng, vận tải, kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và giấy phép hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu biên giới đất liền từ 03 tháng đến 06 tháng; (c) Trục xuất.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau: (a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; (b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; (c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; (d) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; (đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; (e) Buộc rời khỏi khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu; (g) Buộc tiêu hủy giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới hết giá trị sử dụng; (h) Buộc thực hiện việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, kinh doanh tạm nhập - tái xuất đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; (i) Buộc chịu trách nhiệm chi phí để thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu đối với mốc quốc giới, cọc dấu, điểm cơ sở, bia chủ quyền, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, công trình phòng thủ vùng biển, công trình biên giới, biển báo trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng; (k) Buộc lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan; (l) Buộc nộp lại giấy phép đi bờ, giấy phép xuống tàu; (m) Tạm dừng thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với phương tiện Việt Nam, tạm dừng thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh đối với phương tiện nước ngoài.

Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính: (1) Khi thi hành công vụ, nhiệm vụ, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 15 (Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới), Điều 16 (Bộ đội Biên phòng), Điều 17(Công an nhân dân), Điều 18(Cảnh sát biển), Điều 19(Quản lý thị trường), Điều 20(Hải quan), Điều 21(Cảng vụ hàng hải), Điều 22(Cảng vụ đường thủy nội địa), Điều 23(Kiểm ngư) Nghị định này có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. (2) Cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong các cơ quan được quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do người, cơ quan có thẩm quyền ban hành có quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. (3) Thuyền trưởng tàu tuần tra thuộc Hải đoàn Biên phòng, Hải đội Biên phòng, Hải đoàn Cảnh sát biển, Hải đội Cảnh sát biển, Thủy đoàn thuộc Công an nhân dân, Chi cục Kiểm ngư vùng và những người được thuyền trưởng tàu tuần tra thuộc Hải đoàn Biên phòng, Hải đội Biên phòng, Hải đoàn Cảnh sát biển, Hải đội Cảnh sát biển, Thủy đoàn thuộc Công an nhân dân, Chi cục Kiểm ngư vùng giao nhiệm vụ lập biên bản có quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. (4) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng không có thẩm quyền xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 25 Nghị định này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản. Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2020 và thay thế Nghị định số 169/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia./.

Tác giả bài viết: Trần Quốc Đạt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây