Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đều thống nhất cho rằng việc xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 17/2011/TT-BTP và Thông tư số 02/2015/TT-BTP là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và dễ áp dụng thực hiện; bởi vì, hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2006 đã được ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013), Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư và Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP. Do đó, một số nội dung của Thông tư số 17/2011/TT-BTP và Thông tư số 02/2015/TT-BTP không còn phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, các Nghị định hướng dẫn thi hành, cũng như thực tiễn hoạt động quản lý luật sư và hành nghề luật sư.
Ngoài ra, các thành viên dự họp cũng tham gia góp ý về một số các vấn đề chính trong dự thảo Thông tư như: Việc công nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài phải phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan; quy định về các loại giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; việc thực hiện dịch vụ pháp lý của luật sư theo hợp đồng dịch vụ pháp lý và các hoạt động dịch vụ pháp lý khác; vấn đề người đại diện theo pháp luật, Trưởng chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; thủ tục thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; thủ tục cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư; công tác báo cáo thống kê định kỳ theo quy định của ngành tư pháp,…
Tác giả bài viết: Thu Thảo