Luật giám định tư pháp năm 2012 được xây dựng, ban hành trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp và các quy định có liên quan khác, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc củng cố, kiện toàn tổ chức, đội ngũ người giám định tư pháp, hoàn thiện cơ chế hoạt động, quản lý giám định tư pháp trong cả nước nước. Sau hơn 06 năm triển khai thực hiện Luật giám định tư pháp, ngoài những kết quả đạt được, Luật Giám định tư pháp đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Hoạt động giám định ở một số lĩnh vực còn chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng, nhất là giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế, còn có tình trạng cơ quan tố tụng trưng cầu giám định chưa đúng thẩm quyền của cơ quan giám định, nội dung yêu cầu chưa bảo đảm.Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn chưa thực sự được bảo đảm, công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao về giám định tư pháp ở một số Bộ, ngành và hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều tồn tại, hạn chế ...
Vì vậy, các đại biểu tham gia góp ý cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp năm 2012 là yêu cầu cấp thiết khách quan, nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế, khó khăn hiện nay.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật: các đại biểu thống nhất là chỉ sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc nhằm phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng mà không mở rộng sửa đổi sang các nội dung khác của Luật mà quá trình thực hiện cho thấy còn phù hợp.
Về bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, một số ý kiến cho rằng cần thiết phải bổ sung thêm tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự là Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối caotừ thực trạng công tác giám định kỹ thuật hình sự hiện nay; vì thực tế là các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự hiện tại đang thiếu, chưa đảm bảo về năng lực, hiệu quả hoạt động trong khi số lượng vụ án cần giám định về kỹ thuật hình sự. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến thống nhất giữ nguyên như quy định hiện hành và chỉ cần tập trung bổ sung nhân lực, trang bị cho lực lượng hiện có để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, nội dung về quyết định trưng cầu giám định, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc quy định quyết định trưng cầu giám định phải có nội dung về thời hạn trả kết luận giám định (điểm e, Khoản 2, Điều 25 của dự thảo Luật)?Nếu quy định quyết định trưng cầu giám định phải có nội dung về thời hạn trả kết luận giám định không có mục đích, ý nghĩa gì thì nên bỏ quy định này vì không cần thiết. Bởi vì khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 26a của Luật Giám định tư pháp quy định rất cụ thể về thời hạn giám định tư pháp và khoản 22 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi Điều 41 của Luật Giám định tư pháp cũng quy định cụ thể về thẩm quyền xác định thời hạn giám định tư pháp đối với từng loại việc giám định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp.
Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung góp ý những nội dung như: Khoản 22, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi Điều 41 Luật Giám định tư pháp; khoản 24, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 1, sửa đổi khoản 2 Điều 43 Luật Giám định tư pháp …
Tác giả bài viết: Văn Dũng