Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008) được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thi hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: một số quy định còn chồng chéo chưa đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; nhiều vấn đề phát sinh nhưng chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Bênh cạnh đó, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị đã xác định sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật có liên quan … Do đó, các đại biểu tham gia góp ý thống nhất cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Thành phần Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đảm bảo theo quy định Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như: Dự thảo Tờ trình, Báo cáo tổng kết 10 năm, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, đề cương chi tiết của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Các đại biểu đánh giá cao việc xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) vì đã đánh giá được thực trạng trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; phân tích cụ thể về tác động tích cực, cũng như tác động tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật của các chính sách dự kiến sẽ xây dựng trong dự án Luật; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để lựa chọn…Tuy nhiên, để hồ sơ xây dựng dự án Luật Phòng, chống ma túy được đảm bảo tính khả thi cao hơn, các đại biểu đề nghị xem xét lại tính khả thi của chính sách “Người sử dụng trái phép chất ma túy….tiến hành xét nghiệm ở cơ quan Y tế cấp xã không dương tính với ma túy”; bởi vì, trên thực tế nếu giao cho cơ quan Y tế cấp xã thực hiện vấn đề này thì sẽ không đảm bảo các điều kiện trang thiết bị cũng như con người để khi thực hiện.
Đối với Đề cương Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), các đại biểu tham gia góp ý cho rằng, đề cương Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) còn quá sơ bộ, chưa được chi tiết, cụ thể, gây hạn chế trong việc tham gia góp ý. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thẩm quyền của cơ quan giám định tư pháp trong việc giám định về tội phạm ma túy nhằm giúp cho công tác giám định, điều tra, xét xử về ma túy được thực hiện một cách dễ dàng, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm về ma túy; đồng thời, cân nhắc quy định một số nội dung như: “….đối với người dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định hoặc có gia đình yêu cầu thì đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy để quản lý và áp dụng biện pháp giáo dục, cai nghiện đối với họ”; “Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc người thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 90 của Luật này mà không có nơi cư trú ổn định thì được cai nghiện tại khu vực dành riêng cho họ trong cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chính phủ quy định việc tổ chức khu vực dành riêng trong cơ sở cai nghiện bắt buộc và chế độ quản lý, giáo dục, lao động, trị liệu, học tập và chữa trị đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi quy định tại khoản này” cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính để khi triển khai thực hiện được thống nhất, đồng bộ./.
Tác giả bài viết: Văn Dũng