Về cơ bản, các đại biểu tham gia góp ý thống nhất với thành phần Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vì đảm bảo theo quy định Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như: Dự thảo Tờ trình, Báo cáo tổng kết 10 năm, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, đề cương chi tiết của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Các đại biểu đánh giá cao việc xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vì đã đánh giá được thực trạng trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phân tích cụ thể về tác động tích cực, cũng như tác động tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật của các chính sách dự kiến sẽ xây dựng trong dự án Luật; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để lựa chọn… Tuy nhiên, để Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đảm bảo tính khả thi cao, các đại biểu tham gia góp ý đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc xây dựng mới Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bởi vì, hiện nay đã có Luật giao thông đường bộ năm 2008; một số nội dung được dự kiến xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trùng với Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Về nội dung của đề cương Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu tham gia góp ý đề nghị cần chi tiết, cụ thể hơn nhằm để đối tượng tham gia góp ý thấy được bức tranh tổng thể của dự án Luật.
Ngoài ra, có đại biểu tham gia góp ý cho rằng, nội dung cơ bản của đề cương khá trùng lắp với một số nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 , do đó, sẽ bị trùng lắp, chồng chéo dẫn đến khó áp dụng thực hiện…/.
Tác giả bài viết: Văn Dũng