Sở Tư pháp Bình Định tổ chức họp góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 96 0
Ngày 02/10/2019, Sở Tư pháp tổ chức cuộc họp góp ý một số nội dung của dự thảo Bộ Luật Lao động theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Tham gia cuộc họp gồm Lãnh đạo Sở Tư pháp; lãnh đạo các phòng chuyên môn và một số công chức của Sở Tư pháp.
Sở Tư pháp Bình Định tổ chức họp góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động

Sau nhiều lần tổ chức lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Bộ Luật Lao động, đến lần này, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung lấy ý kiến tham gia đối với 5 nội dung của dự thảo, cụ thể như: Về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 34); về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động (Điều 35); về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107); về tuổi nghỉ hưu (Điều 169); về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (từ Điều 170 đến Điều 178).

Về cơ bản các đại biểu tham gia góp ý thống nhất với nội dung của dự thảo; tuy nhiên, để dự thảo Bộ Luật Lao được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành mang tính khả thi cao, các đại biểu tham gia góp ý một số nội dung của Điều 34 về trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động phải phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Điều 35 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, đề nghị nâng thời gian ít nhất từ 03 ngày làm việc lên đến 10 ngày đối với trường hợp nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. Điều 169 về tuổi nghỉ hưu, đa số ý kiến chọn phương án 2 giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp với ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung cầu của thị trường lao động; ngoài ra có ý kiến không đồng ý với hai Phương án này và đề nghị chọn Phương án giữ nguyên như hiện tại. Điều 107 về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, đa số ý kiến chọn Phương án 1 là vẫn giữ lại như quy định hiện hành và bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm là phù hợp với xu thế của thế giới là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi để người lao động cần có điều kiện để tái tạo lại sức lao động. Từ điều 170 đến điều 178 về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, các đại biểu cho rằng nội dung này mới và phức tạp và nếu đưa vào hoạt động sẽ không khả thi, không hiệu quả trên thực tiễn./.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây