Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được trình Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 7 để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý và tiếp tục lấy ý kiến để trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Tại hội nghị, đa số ý kiến thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tuy nhiên cần mở rộng phạm vi sửa đổi để khắc phục những bất cập, vướng mắc về tổ chức bộ máy, biên chế và thực tiễn quản lý của Chính phủ, chính quyền địa phương hiện nay; Chính phủ cần quy định số lượng biên chế tối đa của các tổ chức, đơn vị bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,…. đề nghị cần bổ sung các quy định về quy trình thực hiện phân quyền, phân cấp và ủy quyền.
Phương án thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải có 02 người hoạt động chuyên trách (nếu Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu không chuyên trách thì cần 02 Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách; nếu Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động chuyên trách thì cần 01 Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách) được đa số đại biểu đồng tình. Tuy nhiên, ở cấp huyện, có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hoặc không nên giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; ở cấp xã, các đại biểu thống nhất cao với quy định 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đối với xã, thị trấn loại 2.
Đồng chí Lý Tiết Hạnh – Phó trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận các ý kiến góp ý tại hội nghị, tổng hợp và nghiên cứu để có ý kiến góp ý tại kỳ họp Quốc hội sắp tới./.
Tác giả bài viết: N.Q