Ngày 20/6/2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2013. Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, ngoài những kết quả đạt được, Luật Giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập trong tình hình hiện nay như: một số quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan chưa được chặt chẽ; nhận thức của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa xác định đầy đủ về tầm quan trọng của công tác giám định; hoạt động giám định tư pháp ở những lĩnh vực không có tổ chức giám định… Do đó, các đại biểu tham gia góp ý thống nhất, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập công tác giám định tư pháp trong tình hình hiện nay.
Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản: Bổ sung 03 điều luật (Điều 26a về thời hạn giám định; Điều 33a về đánh giá, sử dụng kết luật giám định tư pháp; Điều 34a về xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp. Sửa đổi, bổ sung 05 điều luật (Điều 25 về trưng cầu, tiếp nhận giám định; Điều 36 về chi phí giám định tư pháp; Điều 41 về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan chuyên môn ở cấp trung ương quản lý chuyên môn về giám định tư pháp; Điều 43 về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh; Điều 46 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, dự án Luật còn sửa đổi, bổ sung 7 khoản và 13 điểm.
Nội dung góp ý: Phần lớn đại biểu đa số thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 2 của dự án Luật về hiệu lực thi hành, nội dung còn sử dụng thuật ngữ khó hiểu, chưa được rõ nghĩa, mặc dù nội dung này đã được giao Chính phủ quy định chi tiết; mặt khác, các đại biểu cho rằng, việc quy định nội dung của Khoản 2 Điều 2 dự án Luật tại nội dung quy định điều khoản thi hành của văn bản là không phù hợp./.
Tác giả bài viết: Văn Dũng