Các đại biểu tham gia góp ý thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc. Bởi vì, trong tiến trình phát triển của nhân loại và các quốc gia, kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật - kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế-xã hội và tổ chức không gian sống của con người và xã hội. Ở Việt Nam, quá trình xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển nền kiến trúc nước nhà có bản sắc, hiện đại, hội nhập quốc tế và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đủ năng lực và điều kiện hành nghề tốt. Hiện nay, hệ thống pháp luật về kiến trúc được quy định ở nhiều văn bản khác nhau như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở …. Vì vậy, việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Kiến trúc được thiết kế gồm 5 chương, 41 điều. Dự thảo Luật quy định tập trung về công tác quản lý kiến trúc; hành nghề kiến trúc; quản lý nhà nước về kiến trúc.
Về nội dung tham gia góp ý, các đại biểu tập trung tham gia các nội dung như: về giải thích từ ngữ; quy định về tiết lộ tài liệu thuộc bí mật nhà nước, tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp; quy định thẩm quyền và thời hạn cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; tính thống nhất giữa nội dung quy định và nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết; quy định về điều kiện năng lực của tổ chức hành nghề kiến trúc. Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Luật Kiến trúc nghiên cứu bổ sung một Chương để quy định xử lý vi phạm trong hoạt động kiến trúc…/.
Tác giả bài viết: Văn Dũng