Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 104 0
Từ một số khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

Đối với lĩnh vực Quản lý thị trường, đề xuất sửa đổi tên gọi của các chức danh, cụ thể: Sửa chức danh “Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương, Trưởng phòng Chống buôn lậu, Trưởng phòng Chống hàng giả, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa thuộc Cục Quản lý thị trường” (khoản 3 Điều 45 Luật Xử lý vi phạm hành chính) thành “Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường”; sửa chức danh “Cục trưởng Cục Quản lý thị trường” (khoản 4 Điều 45 Luật Xử lý vi phạm hành chính) thành “Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường”.

Đối với lĩnh vực Xây dựng, đề xuất bỏ thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm” vì Thanh tra Sở Xây dựng không có bộ máy trực thuộc để tổ chức thực hiện việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nói trên.

Đối với lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị hướng dẫn, quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của Phó Chi cục trưởng phụ trách và Quyền Chi cục trưởng.

Đối với lĩnh vực Tài chính, đề xuất bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính củaGiám đốc sở, vì: Sở là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành/lĩnh vực ở địa phương, có nhiệm vụ quyền hạn là thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Do đó, để chủ động trong việc xử lý vi phạm hành chính, đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Giám đốc sở.

Đồng thời, đề xuất một số vấn đề khác liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

- Về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào hình thức xử phạt, mức tiền phạt và giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trên thực tiễn áp dụng cho thấy nếu căn cứ vào giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để xác định thẩm quyền thì dẫn đến một số hạn chế như không tạo sự chủ động cho cấp cơ sở trong việc ra quyết định xử phạt cũng như thi hành quyết định xử phạt, trong lúc đó, lại dồn việc xử phạt lên cấp trên. Do vậy, đề nghị Bộ Tư pháp nên cân nhắc nghiên cứu bỏ quy định căn cứ giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc quy định theo hướng cho các cấp cơ sở tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị gấp đôi mức tiền phạt được quy định.

Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền đối với một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt (điểm b khoản 4). Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật, có nhiều trường hợp một người thực hiện một hành vi vi phạm hành chính nhưng có giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu vượt quá thẩm quyền của người xử phạt. Vấn đề này chưa được Luật quy định cách xác định thẩm quyền, do vậy, khi thực thi có hai quan điểm khác nhau: Một quan điểm cho rằng Luật quy định thẩm quyền tịch thu của phần lớn các chức danh là “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt”, do vậy, nếu giá trị tang vật, phương tiện vượt thẩm quyền thì phải chuyển vụ việc cho người có thẩm quyền cao hơn. Một quan điểm khác cho rằng do Luật không quy định nguyên tắc xác định trong trường hợp này nên thẩm quyền sẽ được xác định căn cứ vào mức tiền phạt mà không phải chuyển vụ việc.

- Về vấn đề giao quyền xử phạt vi phạm hành chính: Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Trên thực tiễn áp dụng quy định này vẫn còn có hai cách hiểu khác nhau như sau: Cách hiểu thứ nhất cho rằng Luật quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, do vậy, căn cứ quyết định về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cấp phó có thể quyết định (ban hành quyết định) các vấn đề liên quan như quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền, quyết định giảm/miễn phần còn lại tiền phạt, quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần; tại các mẫu quyết định số 03, 04, 05 Phụ lục một số biểu mẫu trong xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP cũng hướng dẫn như trên. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai cho rằng cấp phó được giao quyền chỉ được ban hành quyết định xử phạt vì Luật chỉ quy định phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật; theo Phụ lục một số biểu mẫu trong xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP thì các quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền, quyết định giảm/miễn phần còn lại tiền phạt, quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần không phải là quyết định xử phạt vi phạm hành chính, do vậy Nghị định hướng dẫn ban hành các quyết định trên căn cứ vào quyết định giao quyền về xử phạt vi phạm hành chính là không đảm bảo thống nhất với Luật. Do đó, để hiểu và áp dụng thống nhất quy định của Luật, Bộ Tư pháp nên cân nhắc sửa đổi nội dung về giao quyền cho phù hợp.

Các mẫu quyết định số 06, 07, 08, 09, 10 hướng dẫn cấp phó ban hành quyết định cưỡng chế phải căn cứ “Quyết định về việc giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”. Liên quan đến vấn đề này, Điều 54 và Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính chia thành hai loại quyết định giao quyền, đó là quyết định về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và quyết định về việc giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quá trình áp dụng quy định này gặp một số khó khăn, đó là trong trường hợp cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó xử phạt vi phạm hành chính, nhưng người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt của cấp phó thì cấp trưởng phải ban hành quyết định cưỡng chế hoặc là cấp trưởng phải có quyết định giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cấp phó mới có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế. Do vậy, đề nghị Bộ Tư pháp nên cân nhắc điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp với thực tiễn, theo hướng trong trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cấp phó được giao quyền ban hành thì cấp phó có quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Bởi vì, về bản chất, quy định về giao quyền là nhằm giảm áp lực công việc cho cấp trưởng, do vậy khi đã giao quyền xử phạt thì quyết định giao quyền bao gồm cả giao quyền cưỡng chế là hợp lý. Hơn nữa, quyết định cưỡng chế sẽ được ban hành sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm không thi hành quyết định xử phạt, nếu cấp trưởng phải ban hành quyết định giao quyền cưỡng chế để cấp phó có căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế sẽ không đảm bảo về mặt thời hạn./.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây