Kết quả kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 81 0
Thực hiện Kế hoạch quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2018 và Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của UBND tỉnh, trong tháng 8/2018, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các đơn vị, địa phương: UBND huyện An Lão; UBND phường Đập Đá, UBND phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn; UBND phường Quang Trung, UBND phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn; Hạt Kiểm lâm huyện An Lão và Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị, địa phương đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như:

- Đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như: Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hằng năm; ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản khác nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong công tác này;

- Thực hiện tương đối tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật xử lý vi phạm hành chính với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân và giảm thiểu các hành vi vi phạm hành chính do thiếu hiểu biết gây ra;

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ, công chức và người có thẩm quyền xử lý, xử phạt vi phạm hành chính tại đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc; đồng thời, cử cán bộ tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính do các cấp, các ngành tổ chức. Điều này đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này, hạn chế những sai phạm trong xử lý, xử phạt vi phạm hành chính và hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện xảy ra.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác này như:

- Công tác lưu trữ hồ sơ: Đa số các đơn vị được kiểm tra thực hiện việc lưu trữ hồ sơ xử lý vi phạm hành chính chưa đúng quy định về lưu trữ tại Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính (chưa đánh bút lục, chưa có danh mục hồ sơ lưu trữ);

          - Công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm: Trong nhiều lĩnh vực, nhiều vụ việc, cán bộ đã kiểm tra và phát hiện hành vi vi phạm nhưng không xử lý được hoặc có xử lý nhưng chưa quyết liệt (lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, hôn nhân và gia đình);

- Về thi hành quyết định xử phạt và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác: Nhiều đơn vị thực hiện chưa tốt việc thi hành các quyết định xử phạt, vẫn còn một số trường hợp chưa thi hành xong quyết định xử phạt nhưng người có thẩm quyền không có văn bản kiểm tra, đôn đốc hoặc nhắc nhở thực hiện (UBND phường Quang Trung, các Hạt Kiểm lâm);

- Việc áp dụng pháp luật: Còn tồn tại một số sai sót nhất định trong việc lập biên bản vi phạm hành chính; ra quyết định xử phạt; việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và hình thức xử phạt bổ sung; thực hiện quyền giải trình của người vi phạm; việc áp dụng mức tiền phạt; việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp...

  Các đơn vị, địa phương cần phát huy những kết quả đạt được; đồng thời, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế để công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới./.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây