Góp ý dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính và dự thảo Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 94 0
Trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; ngày 24/10/2018, Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức cuộc họp trong nội bộ Sở Tư pháp để góp ý 02 dự thảo Thông tư là: dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước (sau đây gọi tắt là dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính); dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình lấy ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em (sau đây gọi tắt là dự thảo Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Góp ý dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính và dự thảo Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Đối với dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính

Dự thảo nêu rõ các nội dung chi gồm: Chi đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ; chi quản lý và điều hành thực hiện Chương trình; Chi xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, định kỳ, 5 năm; xây dựng các đề án, dự án về cải cách hành chính; Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác cải cách hành chính nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương; Chi nghiên cứu đề tài khoa học, các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ công tác cải cách hành chính… Đồng thời, dự thảo Thông tư còn quy định rõ nguồn kinh phí, mức chi; việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí.

Đa số các thành viên tham dự cuộc họp tán thành về sự cần thiết ban hành Thông tư; nội dung, hình thức trình bảy của dự thảo. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ thêm một số nội dung để tránh sự hiểu lầm khi vận dụng văn bản này trong thực tế.

Đối với dự thảo Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Dự thảo nêu rõ việc lấy ý kiến của trẻ em phải bảo đảm để trẻ em tham gia tự nguyện, chủ động, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em; không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến, nguyện vọng; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em khi tham gia lấy ý kiến. Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và ý kiến của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em phải được tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực. Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp với trẻ em. Lựa chọn trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên tham gia lấy ý kiến theo cơ cấu phù hợp về độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh và sự phát triển của trẻ em. Hình thức lấy ý kiến của trẻ em gồm: phiếu lấy ý kiến của trẻ em; diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua điện thoại; thông qua môi trường mạng…

Tuy nhiên, đa số thành viên tham dự cuộc họp tỏ ra băn khoăn về độ tuổi trẻ em được lựa chọn tham gia lấy ý kiến (từ đủ 07 tuổi trên lên), vì trẻ em 07 tuổi chưa phát triển đầy đủ nhận thức, có trẻ còn phát âm chưa rõ, nên để các trẻ em ở độ tuổi này phát biểu ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em là chưa phù hợp. Do vậy, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về vấn đề này./.

Tác giả bài viết: Thành Luân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây