Tham dự cuộc họp có lãnh đạo sở, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc sở, lãnh đạo Phòng Công chứng số 01, lãnh đạo Phòng Công chứng số 03 và một số chuyên viên của sở. Nội dung cuộc họp tập trung vào sự cần thiết ban hành Luật Đặc xá, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 06/2015/TT-BTP, một số vấn đề cần hoàn thiện để 02 dự thảo văn bản trên đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật.
(i) Đối với dự thảo Luật Đặc xá:
Đa số ý kiến tán đồng về sự cần thiết, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Điểm i, Khoản 2, Điều 11 và Khoản 6, Điều 12 dự thảo Luật, cụ thể là bỏ nội dung “Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ”. Vì quy định này không đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch của quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, có thể được vận dung tùy nghi trong thực tiễn.
(ii) Đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 06/2015/TT-BTP:
Về sự cần thiết ban hành Thông tư: vì nội dung Thông tư số 06/2015/TT-BTP đã được sửa đổi, bổ sung về cơ bản nên đa số ý kiến đồng ý về việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 06/2015/TT-BTP, mà không phải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2015/TT-BTP.
Về cơ sở dữ liệu công chứng (Điều 27 dự thảo Thông tư): có ý kiến đề nghị phải xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu chứng thực đồng thời với nhau để lưu trữ đầy đủ tất cả các thông tin về giao dịch của người dân. Đồng thời, ý kiến khác lại đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp là “hướng dẫn UBND cấp tỉnh trong việc quản lý, cung cấp, cập nhật thông tin; khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về công chứng”. Nếu không bổ sung nội dung này thì mỗi địa phương thực hiện mỗi kiểu nên không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ khi liên kết, tra cứu dữ liệu về công chứng trên cả nước./.
Tác giả bài viết: Thành Luân