Đa số đại biểu tham dự cuộc họp thống nhất về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định. Bởi vì, việc xây dựng dự thảo Nghị định này nhằm khắc phục một số bất cập, vướng mắc về đối tượng bị xử phạt, mức xử phạt… đã được quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP. Đồng thời, nhằm đảm bảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp phù hợp với các luật vừa được Quốc hội ban hành trong thời gian qua như: Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, tính thiết thực của dự thảo Nghị định, các đại biểu tham dự cuộc họp tập trung thảo luận sâu về từng quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động luật sư, tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá tài sản, văn phòng thừa phát lại, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; thẩm quyền phạt tiền đối với hành vi vi phạm của tổ chức; phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời, để dự thảo Nghị định được hoàn thiện hơn, các đại biểu tham dự cuộc họp còn cho ý kiến về ngôn ngữ của dự thảo văn bản./.
Tác giả bài viết: Thành Luân