Nghiên cứu, trao đổi: Cần hiểu đúng quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 597 0
Trong xử lý vi phạm hành chính, Biên bản vi phạm hành chính là cơ sở pháp lý quan trọng để người có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay còn có nhiều cách hiểu khác nhau, do đó, cần hiểu đúng quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

Tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này”.

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định: “Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.

Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước”.

Việc quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính “theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành”, đồng thời quy định “các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước” dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có nhiều cách hiểu khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chỉ bao gồm những chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Quan điểm thứ hai cho rằng, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính ngoài những người được quy định trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính còn có những người theo văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, chẳng hạn: Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền ban hành văn bản hành chính phân công cho công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình để lập biên bản vi phạm hành chính trong các trường hợp mà nghị định xử phạt vi phạm hành chính không quy định thẩm quyền lập biên bản của công chức, viên chức đó.

Hiểu như cách hiểu thứ hai là không chính xác. Quy định của pháp luật nêu trên được hiểu là, căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ sẽ quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tương ứng.

Ví dụ 1: Tại khoản 9 Điều 2 Quyết định số 699/QĐ-BCT ngày 31/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (là văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành) quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương như sau: Thực hiện thanh tra chuyên ngành về kỹ thuật an toàn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật. Theo đó, tại Điều 61 và điểm b khoản 1 Điều 65 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định: Công chức, viên chức thuộc các cơ quan quy định tại các Điều 59, 60, 61, 62, 63 và Điều 64 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Điều này có nghĩa là công chức, viên chức thuộc Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương đang thi hành công vụ, nhiệm vụ cũng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Ví dụ 2: Điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định về công tác tuần kiểm đường bộ như sau: Nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ bao gồm: Theo dõi, giám sát kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường và của Đơn vị bảo trì đường bộ; xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ. Căn cứ quy định về nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ, tại điểm b khoản 1 Điều 75 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Như vậy theo quan điểm của người viết bài này, chỉ những chức danh được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước mới có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính./.

Tác giả bài viết: Trần Quốc Đạt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây