Các đại biểu tham dự cuộc họp thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Thông tư quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư để thay thế Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 07/4/2014 của Bộ Tư pháp. Bởi vì, qua 4 năm triển khai thực hiện Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 07/4/2014 của Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Vì vậy, việc ban hành Thông tư này nhằm để khắc phục những bất cập, hạn chế; đồng thời, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.
Về nội dung của dự thảo Thông tư, các đại biểu thống nhất chọn Phương án 1: “Thời gian tham gia bồi dưỡng tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm 16 giờ làm việc/năm)”. Bởi vì, bồi dưỡng 02 ngày làm việc/năm nhằm nâng cao hơn chất lượng hoạt động của đội ngũ Luật sư, cũng như trau dồi, cập nhật, củng cố, làm mới thêm các kiến thức, cũng như đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm, chất lượng chuyên môn mà Luật sư cần phải có để thực hiện chức năng, trách nhiệm của Luật sư trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, tại điều 19 của dự thảo về xử lý vi phạm đối với tổ chức thực hiện bồi dưỡng, đa số ý kiến đề nghị bỏ Khoản 1 vì phạm vi, nội hàm tiêu đề của điều là áp dụng đối với vi phạm của tổ chức thực hiện bồi dưỡng nhưng nội dung cụ thể là áp dụng đối với đối tượng Luật sư là không thống nhất; mặt khác, đối với Luật sư nếu có hành vi vi phạm hành chính thì đã bị xử lý bằng các hình thức quy định tại Điều 17 của dự thảo Thông tư. Do đó, nếu tiếp tục xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 19 của dự thảo Thông tư là không phù hợp.
Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia sôi nổi các nội dung như: nội dung bồi dưỡng; hình thức tham gia bồi dưỡng; miễn, giảm, tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng .../.
Tác giả bài viết: Văn Dũng