Quy định về thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành hính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 212 0
Ngày 01/3/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 650/QĐ-UBND quy định về thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, UBND tỉnh quy định về cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phức tạp cụ thể như sau:

1. Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được coi là phức tạp khiđáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Hồ sơ vụ việc thuộc các trường hợp giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

b) Hồ sơ vụ việc mà người có thẩm quyền xét thấy cần xác minh tình tiết liên quan đến việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

c) Hồ sơ xử phạt đối với vụ việc có văn bản, tài liệu mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn;

d) Hồ sơ vụ việc thuộc trường hợp kéo dài, gia hạn việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

đ) Hồ sơ vụ việc thuộc trường hợp kéo dài, gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

e) Hồ sơ xử phạt mà đối tượng vi phạm là cá nhân, tổ chức nước ngoài;

g) Hồ sơ xử phạt khác mà người có thẩm quyền xử phạt xét thấy cần phải kiểm tra, đánh giá lại các văn bản, tài liệu để đảm bảo việc ra quyết định xử phạt đúng đối tượng, hành vi, thời hạn, thời hiệu, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chứckhi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Hồ sơ có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực;

b) Do nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh;

c) Nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện một hành vi vi phạm hành chính;

d) Hành vi vi phạm hành chính ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức.

Căn cứ các tiêu chí quy định nói trên, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá và xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức; trên cơ sở đó, áp dụng mức chi hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 17 Điều 3 và điểm d khoản 2 Điều 4 Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính./.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây