Những thay đổi quan trọng trong quy hoạch lâm nghiệp

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 268 0
Quy hoạch lâm nghiệp được coi là một trong những công cụ quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định hai cơ chế quản trị rừng gồm quy hoạch và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; trong đó quy định cụ thể về nguyên tắc; căn cứ; nội dung; kỳ quy hoạch, kế hoạch; thẩm quyền, trách nhiệm lập, phê duyệt, quyết định, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, những quy định về quy hoạch và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã phát sinh một số tồn tại, không phù hợp với thực tiễn nhất là có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các ngành có liên quan.

Luật Lâm nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019; thay thế Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, đã có những thay đổi quan trọng về quy hoạch lâm nghiệp, cụ thể:

- Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện ở 04 cấp (trung ương, tỉnh, huyện và xã). Theo đó, Luật giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi cả nước; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cấp tỉnh; UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương theo sự hướng dẫn của UBND cấp trên trực tiếp. Luật Lâm nghiệp chỉ quy định một cấp quy hoạch đó là quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch.

- Luật Lâm nghiệp yêu cầu một số nguyên tắc cơ bản phải đảm bảo trong việc lập quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia để đảm bảo tính thống nhất với Luật Quy hoạch cũng như yêu cầu của thực tiễn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đó là phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; rừng tự nhiên phải được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giới; đặc biệt việc lập quy hoạch phải bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

- Thời kỳ quy hoạch vẫn được quy định 10 năm, tuy nhiên Luật Lâm nghiệp bổ sung tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm. Đối với nội dung quy hoạch, Luật yêu cầu đánh giá 3 nội dung quan trọng là tình hình thực hiện quy hoạch lâm nghiệp kỳ trước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chế biến và thương mại lâm sản; đầu tư, khoa học và công nghệ, lao động; thay vì chỉ đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng kỳ trước được quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Luật Lâm nghiệp cũng yêu cầu quy hoạch lâm nghiệp phải dự báo về nhu cầu và thị trường lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, tác động của biến đổi khí hậu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiến bộ công nghệ áp dụng trong lâm nghiệp; so với quy định cũ chỉ dự báo các nhu cầu về rừng và lâm sản.

- Lấy ý kiến về quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia là một bổ sung mới trong quy trình lập quy hoạch lâm nghiệp; Luật giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan; tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Việc lấy ý kiến được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như công khai trên cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng; gửi lấy ý kiến bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo; thời gian lấy ý kiến là 60 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây