Bàn về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quy định mức thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 835 0
Ngày 25/11/2015, Quốc hội thông qua Luật phí và lệ phí. Việc ban hành Luật phí và lệ phí là để khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa nhằm thu hút vốn đầu tư vào các dịch vụ công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và đảm bảo công bằng xã hội.

Để thực hiện được mục tiêu này, đảm bảo việc quy định các mức thu phí, lệ phí phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đặc thù của từng vùng miền, Điều 21 Luật phí và lệ phí năm 2015 quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các loại phí và lệ phí. Theo Khoản 1, Điều 21 Luật phí và lệ phí năm 2015 thì thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là “Quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền”. Danh mục các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được nêu tại Phụ lục số 01 và Phụ lục số 02 Luật phí và lệ phí năm 2015. Danh mục này được kế thừa từ Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001. Tuy nhiên, trên thực tế, việc hiểu thẩm quyền quy định mức thu của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có các quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyền quy định mức thu phí, lệ phí đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và không bị hạn chế bởi mức thu tối đa do Bộ Tài chính quy định. Những người theo quan điểm này lập luận rằng: theo Điều 11 Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 thì “Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu phí, lệ phí được phân cấp do Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”. Theo đó, Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2011 đã giao quyền cho Bộ Tài chính hướng dẫn việc quy định mức thu. Do đó, Bộ Tài chính có thẩm quyền quy định mức thu tối đa cho một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thực tế, Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quy định cụ thể mức thu tối đa của nhiều loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 21 Luật phí và lệ phí năm 2015 như trích dẫn ở trên thì không giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu phí, lệ phí đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Thông tư này thay thế Thông tư số 02/2014/TT-BTC) đã không quy định mức thu tối đa các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, đã hình thành nên quan điểm là: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyền quy định mức thu phí, lệ phí đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và không bị hạn chế bởi mức thu tối đa do Bộ Tài chính quy định.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Bộ Tài chính có quyền quy định mức thu tối đa đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào mức tối đa này để quy định mức thu cụ thể. Những người theo quan điểm này lập luận rằng: theo Luật phí và lệ phí năm 2015 thì không có quy định nào cấm Bộ Tài chính quy định mức thu tối đa đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Mặt khác, theo Khoản 4, Điều 19 Luật phí và lệ phí năm 2015 thì thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tài chính là: “Tổ chức và hướng dẫn thực hiện thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí”. Căn cứ theo quy định này thì Bộ Tài chính được quyền hướng dẫn việc thu phí, lệ phí đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Bộ Tài chính có quyền quy định mức thu tối đa để làm cơ sở cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu cụ thể). Hơn nữa, nếu hoàn toàn giao quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí được quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật phí và lệ phí năm 2015 để tự quyết định mức thu một số khoản phí, lệ phí thì sẽ dễ phát sinh bất cập là mức thu giữa các địa phương lân cận, có những điều kiện kinh tế - xã hội tương tự nhau nhưng mức thu lại khác nhau. Những người theo quan điểm này cho rằng: Bộ Tài chính nên căn cứ theo phân loại các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 để xây dựng mức thu tối đa đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo từng loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc Bộ Tài chính quy định mức thu tối đa này sẽ đảm bảo được tính “công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân” trong việc xác định mức thu phí, lệ phí được quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật phí và lệ phí năm 2015.

Đối với vấn đề này, người viết nhất trí với quan điểm thứ nhất. Bởi vì, quan điểm thứ nhất có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn và dựa trên sự đánh giá từ quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 đến quy định của Luật phí và lệ phí năm 2015. Tuy nhiên, để hạn chế những bất cập mà quan điểm thứ hai nêu ra thì Bộ Tài chính cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết nhanh chóng các khiếu nại, tố cáo về phí, lệ phí để có cơ sở đề nghị Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sửa đổi các quy định về các mức thu phí, lệ phí không phù hợp, không đồng bộ giữa các địa phương có cùng điều kiện kinh tế - xã hội. Về lâu dài, trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện giao quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu một số loại phí, lệ phí theo Luật phí và lệ phí năm 2015, Bộ Tài chính sẽ đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp./.

Tác giả bài viết: Thành Luân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây