Những điểm mới cơ bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 328 0
Nghị định số 93/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa được Chính phủ ban hành ngày 20/8/2013 đã phát huy hiệu quả trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn hàng hải. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện pháp luật nói chung, đặc biệt là với sự ra đời của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, nhiều hành vi vi phạm hành chính chưa được quy định cụ thể trong nghị định xử phạt chuyên ngành, bên cạnh đó quy định mức xử phạt tiền đối với một hành vi vi phạm chưa đủ tính răn đe, ngăn chặn. Do vậy, để khắc phục tình trạng trên, ngày 11/12/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP. Nghị định số 142/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2018 và có những điểm mới cơ bản như sau:

1. Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Nghị định quy định cụ thể hơn cách tính quy đổi tổng dung tích của tàu thuyền trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính được quy định mức xử phạt theo dung tích của tàu thuyền, tổng dung tích (GT) nhưng giấy chứng nhận của tàu thuyền không ghi GT:

a) Tàu biển và phương tiện thủy nội địa tự hành: 1,5 tấn trọng tải được tính bằng 01 GT;

b) Sà lan: 01 tấn trọng tải toàn phần được tính bằng 01 GT;

c) Tàu kéo, tàu đẩy, tàu chở khách (kể cả thủy phi cơ) và cẩu nổi: 01 mã lực (HP, CV) được tính bằng 0,5 GT; 01 KW được tính bằng 0,7 GT; 01 tấn sức nâng của cẩu đặt trên tàu thuyền được tính bằng 06 GT;

d) Tàu thuyền chở khách không ghi công suất máy: 01 ghế ngồi dành cho hành khách được tính bằng 0,67 GT; 01 giường nằm được tính bằng 04 GT;

đ) Trường hợp tàu thuyền là đoàn lai kéo, lai đẩy hoặc lai cập mạn: Được tính bằng tổng dung tích của cả đoàn bao gồm sà lan, đầu kéo hoặc đầu đẩy;

e) Việc quy đổi quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 4 Điều này được chọn phương thức quy đổi có tổng dung tích lớn nhất;

g) Đơn vị tính công suất máy: Công suất máy chính của tàu thuyền được tính theo HP, CV hoặc KW; phần lẻ dưới 01 HP hoặc 01 KW được tính tròn bằng 01 HP, 01 CV hoặc 01 KW.

2. Quy định về hành vi vi phạm

Nghị định bổ sung thêm một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải để thống nhất với hệ thống pháp luật và phù hợp thực tiễn, cụ thể như sau:

- Mục 1, Chương II: Nghị định đổi tên “vi phạm quy định về xây dựng và khai thác cảng biển” thành “Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải”. Đồng thời bổ sung hành vi vi phạm quy định về tải trọng của phương tiện trong vùng đất cảng (Điều 14); vi phạm quy định về cân xác nhận khối lượng toàn bộ đối với mỗi Công-te-nơ vận tải biển quốc tế (Điều 15); vi phạm quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô trong vùng đất cảng (Điều 16) và vi phạm quy định đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô trong vùng đất cảng (Điều 17).

- Bổ sung Mục 2 – vi phạm quy định về xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn. Theo đó, mục này gồm có 7 Điều (từ Điều 24 đến Điều 30), quy định hành vi vi phạm về đầu tư xây dựng cảng cạn; vi phạm quy định về công bố mở cảng cạn; vi phạm quy định về đặt tên, đổi tên cảng cạn; vi phạm quy định về cho thuê lại kết cấu hạ tầng cảng cạn; vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác cảng cạn; vi phạm quy định về bốc dỡ, lưu kho hàng hóa và vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại cảng cạn.

- Mục 3: Điều 36 quy định hành vi vi phạm về an toàn sinh mạng trên tàu thuyền đã bổ sung “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với thuyền viên trong ca trực có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/01 lít khí thở hoặc có sử dụng các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng.”. Đồng thời, tại khoản 5 và khoản 6 đã tách hành vi chở hàng quá quy định của tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT và hành vi chở hàng quá quy định của tàu thuyền có tổng dung tích từ 200 GT đếndưới 500 GT.  Thay vì quy định như trước đây là xử phạt chung hành vi chở hàng quá quy định của tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT. Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung thêm hành vi vi phạm quy định về xếp, chằng buộc hàng hóa trên tàu thuyền (Điều 38).

- Mục 4: Bổ sung hành vi vi phạm quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa khi vào, rời và hoạt động tại cảng biển. Theo đó, Điều 41 quy địnhphạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với phương tiện chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở khí hóa lỏng, tàu đệm khí; phạt tiền từ 55.000.000 đồng đến 65.000.000 đồng đối với phương tiện chuyên vận tải hành khách có sức chở trên 12 người mà không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu đệm khí; phạt tiền từ 65.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện lưu trú du lịch ban đêm.Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng đối với hành vi này là tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng có thời hạn từ 02 tháng đến 03 tháng.

- Mục 6: bổ sung hành vi vi phạm quy định về sử dụng giấy phép và điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải (Điều 47). Tại Điều 48 Nghị định bổ sung thêm một số hành vi về trách nhiệm của chủ tàu, người quản lý, khai thác tàu đối với tàu thuyền và thuyền viên như: không bố trí cho thuyền viên nghỉ đủ số ngày nghỉ hằng năm theo quy định; không thực hiện khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động hàng hải và bệnh nghề nghiệp theo quy định; không thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả gồm điều trị y tế, phẫu thuật, nằm viện, các loại thuốc, trang thiết bị điều trị cần thiết, chi phí ăn, ở của thuyền viên từ khi sơ cứu đến khi thuyền viên bình phục hoặc đến khi xác định là mãn tính; không trả đủ tiền lương ghi trong hợp đồng lao động thuyền viên trong thời gian điều trị; không thanh toán chi phí mai táng trong trường hợp thuyền viên bị tử vong trên tàu hoặc trên bờ trong thời gian đi tàu; không mua bảo hiểm bắt buộc cho thuyền viên làm việc trên tàu theo quy định.

          - Bổ sung mục 7 quy định về các hành vi vi phạm điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu thuyền và hoạt động phá dỡ tàu thuyền; bổ sung Mục 8 quy định về các hành vi vi phạm an toàn công-te-nơ.

3. Về mức xử phạt

Cơ bản, Nghị định mới giữ nguyên mức xử phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, trong một số trường hợp đặc biệt để tăng cường tính răn đe hơn Nghị định mới đã tăng mức xử phạt tiền, như:

Tăng mức xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng lên mức từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hành vi vào, rời vùng đất cảng hoặc lên tàu thuyền không được phép của cơ quan hoặc người có thẩm quyền (khoản 2 Điều 10); tăng mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng lên từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chất xếp hàng hóa trên cầu cảng quá tải trọng cho phép (khoản 2 Điều 11); hành vi không cung cấp thông tin, thông báo, báo cáo hoặc cung cấp thông tin, thông báo, báo cáo không đúng theo quy định về tài sản chìm đắm tại cảng biển tăng mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 thay vì từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng như trước đây (khoản 1 Điều 54); hành vi Thiếu một trong những trang, thiết bị phục vụ huấn luyện, đào tạo theo quy định hoặc trang, thiết bị không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật: tăng mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng lên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng…/.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây