Để triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2013/NĐ-CPquy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa. Ngày 25 tháng 12 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, bãi bỏ những quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định tại Nghị định số 93/2013/NĐ-CP. Đến nay, qua hơn 4 năm thực hiện, một số nội dung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hảicủa Nghị định số 93/2013/NĐ-CPkhông còn phù hợp với thực tiễn, nên cần phải được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2017/NĐ-CP để thay thế.
Cụ thể, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải; Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn; Vi phạm quy định về hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển; Vi phạm quy định về đăng ký tàu thuyền và bố trí thuyền viên; sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên; Vi phạm quy định về hoa tiêu hàng hải; Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải biển, vận tải đa phương thức, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu thuyền và hoạt động phá dỡ tàu thuyền; Vi phạm quy định về an toàn Công-te-nơ; Vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, trục vớt tài sản chìm đắm và báo hiệu hàng hải; Vi phạm quy định về đào tạo, huấn luyện thuyền viên; Vi phạm quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển.
Về hình thức xử phạt chính:Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt tiền hoặc cảnh cáo.
Về hình thức xử phạt bổ sung: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại Chương II của Nghị định này.
Quy định về điều khoản chuyển tiếp: Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải xảy ra trước ngày có hiệu lực thi hành nhưng được phát hiện, xử lý sau ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này thì áp dụng các quy định xử phạt theo nguyên tắc có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.
Nghị định nàycó hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2018./.
Tác giả bài viết: Trần Quốc Đạt