Góp ý dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư về công tác bồi thường nhà nước

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 101 0
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 6605/UBND-NC ngày 01/12/2017 về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định); ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 6665/UBND-NC ngày 06/12/2017 về việc góp ý dự thảo Thông tư ban hành một số biểu mẫu về công tác bồi thường nhà nước (sau đây gọi tắt là dự thảo Thông tư).

Sáng ngày 12/12/2017, Sở Tư pháp tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư nêu trên. Cuộc họp do ông Lê Văn Toàn – Giám đốc Sở chủ trì. Tham dự cuộc họp có đại diện các Phòng chuyên môn thuộc sở, chuyên viên của Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và chuyên viên Phòng Hành chính tư pháp.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Luật này đã giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, giao Bộ Tư pháp ban hành một số biểu mẫu về công tác bồi thường nhà nước. Do vậy, các thành viên tham dự cuộc họp thống nhất rằng việc xây dựng dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư nêu trên để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành là có cơ sở pháp lý. Việc xây dựng Nghị định và Thông tư như thế còn để bảo đảmcho các chính sách đã được cụ thể hóa trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được thực hiện có hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực thi công vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho người bị thiệt hại trong thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Đối với dự thảo Nghị định, một số đại biểu đề nghị giải thích rõ một số cụm từ, quy định rõ một số mốc thời gian, quy định thời gian giải quyết hồ sơ các vụ việc phức tạp phải lâu hơn các vụ việc đơn giản để quy định được rõ ràng, dễ thi hành trên thực tế.

Đối với dự thảo Thông tư, một số đại biểu đề nghị bổ sung một số biểu mẫu để phù hợp với yêu cầu công tác bồi thường nhà nước phát sinh trên thực tế.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh lý quy định về phân công các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước sao cho vừa thuận tiện cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, vừa bảo đảm cho cơ quan nhà nước không bị quá tải công việc (khi các cơ quan nhà nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước)./.

Tác giả bài viết: Thành Luân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây