Qua công tác kiểm tra và thu thập thông tin cho thấy, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và 11 Chi nhánh đã thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thời hạn giải quyết hồ sơ, kết quả đăng ký, cung cấp thông tin; từ chối đăng ký; quản lý, cập nhật hồ sơ, sổ sách về đăng ký thế chấp theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánhđã bố trí từ 01 đến 02 cán bộ phụ trách, nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu cấp thiết của tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch, không để hồ sơ tồn đọng.Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và 11 Chi nhánh đã tiếp nhận và giải quyết 19.740 hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Việc thu lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 75/2016/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 của UBND tỉnh quy định các loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tính trong 6 tháng đầu năm 2017, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và 11 Chi nhánh đã thu được 921.830.000 đồngphí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; trong đó, đã thực hiện việc trích nộp 50% vào ngân sách nhà nước, còn lại 50% để lại cho đơn vị sử dụng theo đúng quy định. Đối với trường hợp miễn phí đăng ký giao dịch bảo đảm, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và 11 Chi nhánh đã căn cứ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủvề chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để thực hiện; 6 tháng đầu năm 2017, trong toàn tỉnh có 2.573hồ sơ được miễn phí đăng ký giao dịch bảo đảm.
Nhìn chung, Văn phòng đăng ký đất đai sau khi thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn về các điều kiện thực hiện nhưng đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác đăng ký giao dịch bảo đảm với bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, góp phầngiải quyết kịp thời nhu cầu cấp thiết của tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch, không để hồ sơ tồn đọng; không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực này. Văn phòng Đăng ký đất đai cũng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ngay trong ngày tiếp nhận, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp tại đơn vị. Ngoài ra, Văn phòng Đăng ký đất đai cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm cho 11 Chi nhánh trực thuộc, nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời những sai sót có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Do vậy, trong thời gian qua, chất lượng và hiệu quả trong việc thực hiện thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cải thiện, dần nâng cao, đảm bảo sự thống nhất trong toàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Văn phòng Đăng ký đất đai vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Trong giai đoạn đầu, các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai mới bắt đầu đi vào hoạt động theo mô hình mới nên gặp nhiều khó khăn, việc cập nhật thông tin biến động đăng ký thế chấp vào Sổ địa chính điện tử chưa kịp thời; số lượng hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm ngày càng nhiều trong khi số lượng biên chế không đủ đáp ứng yêu cầu công việc đề ra;sự phối hợp trong công tác đăng ký giao dịch bảo đảm giữa Văn phòng công chứng, tổ chức tín dụng, ngân hàng và cơ quan đăng ký còn nhiều bất cập, chưa kịp thời, chưa thống nhất nên trong nhiều trường hợp, hồ sơ đăng ký thế chấp còn tồn tại sai sót, phải hiệu chỉnh nhiều lần, mất nhiều thời gian cho cá nhân, tổ chức và cơ quan đăng ký; ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa thật sự quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng kýgiao dịch bảo đảm cho người dân và tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụcho cán bộ làm công tác này tại địa phương.
Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện rà soát, bố trí, sử dụng cán bộ đảm nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện liên quan đến công tác đăng ký giao dịch bảo đảm để bảo đảm biên chế cho Văn phòng Đăng ký đất đai; ngoài ra, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai cần phối hợp mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức trong ngành hoặc mở các lớp trao đổi nghiệp vụ chuyên môn để cơ quan đăng ký cũng như tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, ngân hàng,… được học tập, trao đổi và nắm bắt thông tin kịp thời nhằm giải quyết hồ sơ nhanh, chính xác và hiệu quả hơn trong thời gian tới./.
Tác giả bài viết: Thu Thảo