Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 229 0
Ngày 01/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nghị định này thay thế Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Để triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2013/NĐ-CPquy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm thực hiện, một số nội dung của Nghị định số 80/2013/NĐ-CPkhông còn phù hợp với thực tiễn, cần phải được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP để thay thế.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Về tổ chức vi phạm hành chính, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”. Theo đó, Nghị định này đã quy định cụ thể các tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gồm:(i) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;(ii) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;(iii) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;(iiii) Các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định pháp luật.

Về hình thức xử phạt chính:Tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức là 200.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150.000.000 đồng, đối với tổ chức là 300.000.000 đồng, trừ các trường hợp quy định tại các điểm đ, e, g và h khoản 2 Điều 14; các điểm đ, e, g và h khoản 2 Điều 15; các điểm đ, e, g và h khoản 2 Điều 16; các khoản 3 và 4 Điều 17; khoản 4 Điều 18; khoản 4 Điều 19 và các khoản 5, 6 và 7 Điều 20 của Nghị định này.

Về hình thức xử phạt bổ sung: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng các loại giấy phép, chứng chỉ, giấy chứng nhận trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Về biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quảnhư: Buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa, phương tiện đo, chuẩn đo lường vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện vi phạm; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa hoặc phương tiện đo, chất chuẩn, chuẩn đo lường vi phạm đã lưu thông; buộc thu hồi giấy chứng nhận hệ thống quản lý, chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm hoặc chứng chỉ so sánh chuẩn đo lường, chất chuẩn; buộc thu hồi chứng chỉ đào tạo, thử nghiệm, kiểm định, giám định, giấy chứng nhận hợp chuẩn, giấy chứng nhận hợp quy, chứng chỉ công nhận phòng thí nghiệm, chứng chỉ công nhận phòng kiểm định, hiệu chuẩn, chứng chỉ công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp; buộc thu hồi, hủy bỏ quyết định tặng giải thưởng, hủy bỏ hiệu lực giải thưởng; quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo; buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng; buộc sửa đổi tiêu chuẩn công bố áp dụng; buộc sửa chữa phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng.

Về điều khoản chuyển tiếp, Nghị định quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2017./.

Tác giả bài viết: Trần Quốc Đạt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây