Để triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc triển khai thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đã góp phần đảm bảo việc áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chínhđược thuận lợi và thống nhất trên toàn quốc cũng như đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đã tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng và thi hành các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được đồng bộ, minh bạch, hiệu quả. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.
Một số nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP: Nghị định quy định rõ những điều kiện để xác định một tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính; quy định cụ thể việc giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành; quy định thống nhất hình thức của văn bản giao quyền (là quyết định giao quyền); người được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quyết định cưỡng chế theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; quy định cụ thể về các trường hợp chấm dứt việc giao quyền; quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính; quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyềnxử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạtcủa người lập biên bản; quy định cụ thể các căn cứ tiến hành việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban bảnh quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp có sai sót; quy định rõ hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; quy định về việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính; quy định cụ thể trình tự, thủ tục xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu; xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm; quy định về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, ban hành kèm theo Nghị định là Phụ lục về mẫu biên bản và mẫu quyết định để sử dụng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính để thay thế Phụ lục về mẫu biên bản và mẫu quyết định ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2017./.
Tác giả bài viết: Trần Quốc Đạt