Tại cuộc họp này, các thành viên đều thống nhất về sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị định này. Bởi vì, Nghị định này được xây dựng nhằm để quy định chi tiết 05 nội dung được giao tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đó là: (i) điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý; (ii) tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; (iii) chế độ chính sách của trợ giúp viên pháp lý, thù lao, chi phí đối với luật sư, công tác viên trợ giúp pháp lý; (iv) thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp; (v) cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý.
Các thành viên tham dự cuộc họp họp đã trao đổi, thảo luận sôi nổi từ nội dung cho đến hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản; đặc biệt là ý kiến trao đổi, góp ý của Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định về một số nội dung không phù hợp, không sát với thực tế của dự thảo Nghị định. Qua đó, nêu ra một số bất cập, vướng mắc, thậm chí là tiêu cực có thể phát sinh nếu áp dụng dự thảo Nghị định này trong thực tiễn.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Giám đốc Lê Văn Toàn cho rằng những ý kiến góp ý tại cuộc họp này là hữu ích, cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị định; giao Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý tại cuộc họp này, trình Lãnh đạo Sở ký, ban hành văn bản góp ý để gửi Bộ Tư pháp đúng thời gian theo yêu cầu tại Công văn số 2899/BTP-TGPL ngày 16/8/2017 của Bộ Tư pháp./.
Tác giả bài viết: Thành Luân