Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 225 0
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Nghị định số 33/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Để triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Tuy nhiên, qua gần 4 năm thực hiện, một số nội dung của Nghị định 142/2013/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tiễn, nên cần phải được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP để thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP.

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản.

Về hình thức xử phạt chính: Nghị định quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 - 12 tháng. Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Về hình thức xử phạt bổ sung: Nghị định quy định tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-24 tháng; đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-12 tháng; tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Nghị định số 33/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2017./.

Tác giả bài viết: Trần Quốc Đạt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây