Sở Tư pháp Bình Định tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 92 0
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Văn bản số 1211/BTP-BTTP ngày 12/4/2017 về việc góp ý dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu giá tài sản (gọi tắt là dự thảo Thông tư). Ngày 21/4/2017, Sở Tư pháp Bình Định tổ chức hội nghị góp ý kiến đối với dự thảo Thông tư, với thành phần tham dự gồm: Lãnh đạo Sở; Lãnh đạo và đấu giá viên Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh, Trưởng các phòng chuyên môn và chuyên viên pháp lý thuộc Sở Tư pháp.

Ông Lê Văn Toàn - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị phát biểu chỉ đạo, Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Tại điểm c, d Khoản 2 Điều 77 của Luật Đấu giá tài sản giao Bộ Tư pháp ban hành, quản lý và hướng dẫn việc sử dụng các biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản, Sổ theo dõi tài sản đấu giá; Sổ đăng ký đấu giá tài sản; quy định chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá, việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. Thực hiện chức năng được phân cấp, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư  để triển khai Luật Đấu giá tài sản có hiệu quả, kịp thời và đồng bộ là cần thiết.

Hội nghị tham gia góp ý kiến diễn ra rất sôi nổi, với những nội dung lớn, cụ thể như sau:

1. Dự thảo Thông tư quy định Tiêu đề và căn cứ pháp lý để ban hành chưa bám sát theo quy định tại Điều 60 và khoản 2 Điều 61 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

2. Điều 4, quy định về Chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá. Đa số ý kiến thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo đưa Chương trình khung cụ thể vào dự thảo Thông tư, không nên giao cho học viện tư pháp phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định bằng một văn bản khác vì không đúng với nguyên tắc ban hành văn bản được quy định tại Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trường hợp nếu cần phải ban hành bằng một văn bản khác để quy định chi tiết Chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá thì nên bỏ điều này là phù hợp hơn.

3. Tại khoản 1 Điều 7 dự thảo Thông tư sử dụng cụm từ “Trong trường hợp có lý do chính đáng”, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ như thế nào là lý do chính đáng, để khi triển khai thực hiện tránh tình trạng áp dụng một cách tùy nghi, mỗi nơi một kiểu.

4. Điều 11, quy định trách nhiệm của đấu giá viên hướng dẫn tập sự. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại, bởi vì tại điều này quy định 4 trách nhiệm của đấu giá viên hướng dẫn tập sự, nhưng lại không quy định quyền lợi của họ như thế nào. Trong quá trình  hướng dẫn tập sự, nếu như đấu giá viên không làm hết trách nhiệm sẽ bị chế tài theo pháp luật. Do đó, dự thảo Thông tư cần bổ sung quyền lợi cho phù hợp với các công việc đặc thù khác. Đồng thời, trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình, người hướng dẫn có những quyền nhất định như: có thể từ chối, không tiếp tục hướng dẫn hoặc đề nghị người tập sự thực hiện những việc có liên quan.

5. Về một số nội dung áp dụng nguyên tắc thỏa thuận, tại một số điều, khoản của dự thảo Thông tư quy định quyền, nghĩa vụ giữa người tập sự với tổ chức hành nghề đấu giá áp dụng theo nguyên tắc thỏa thuận, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ theo thỏa thuận là như thế nào, gồm những nội dung gì để nhằm khi triển khai thực hiện tránh áp dụng một cách tùy nghi, mỗi nơi một kiểu, không thống nhất. Đồng thời, nếu đã áp dụng nguyên  tắc thỏa thuận như nội dung các điều này thì giữa người tập sự với tổ chức hành nghề đấu giá, đề nghị bỏ nội dung tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo Thông tư do hai nguyên tắc này mâu thuẫn về mặt bản chất, nội dung.

6. Tại Điều 23 của dự thảo Thông tư, quy định Khiếu nại về tập sự hành nghề đấu giá và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này, vì nếu quy định vấn đề khiếu nại về tập sự hành nghề đấu giá và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá là chưa đủ. Bởi vì, theo quy định của Luật Khiếu nại, thì việc khiếu nại trong thời gian đó mà cơ quan có thẩm quyền không giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại được quyền khởi kiện, không nhất thiết thực hiện khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Do đó nên đều chỉnh lại cho phù hợp với Luật Khiếu nại.

7. Về quy định các biểu mẫu và nội dung của biểu mẫu. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại và quy định cho thống nhất về nội dung khai trong các biểu mẫu như quy định về quốc tịch, chứng minh nhân dân/Căn cước công dân số … Đồng thời cần bổ sung thêm các mẫu như: Biểu mẫu Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; Biểu mẫu hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức bán đấu giá tài sản khi ký kết các hợp đồng được thực hiện chặt chẽ hơn./.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây