Góp ý dự thảo Thông tư Quy định chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 167 0
Nhằm xây dựng trình tự, thủ tục đấu giá áp dụng thống nhất để phù hợp yêu cầu xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản, phát triển dịch vụ đấu giá tài sản chuyên nghiệp trong cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ngày 17/11/2016, Quốc hội thông qua Luật Đấu giá tài sản.

Điểm a và Điểm d, Khoản 2, Điều 78 Luật Đấu giá tài sản đã giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính: “Hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản” và “Quy định việc thu, chi, quản lý và sử dụng tiền bán hồ sơ đấu giá, tiền đặt trước của người tham gia đấu giá không được nhận lại theo quy định của pháp luật”. Thực hiện trách nhiệm này, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư Quy định chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015 trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền.

Sở Tư pháp nhận được Văn bản số 4009/BTC-QLCS ngày 28/3/2017 của Bộ Tài chính và Văn bản số 1497/UBND-TH ngày 03/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định yêu cầu góp ý đối với dự thảo Thông tư Quy định chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là dự thảo Thông tư). Thực hiện yêu cầu này, ngày 10/4/2017, Sở Tư pháp tổ chức cuộc họp trong nội bộ Sở để góp ý đối với dự thảo Thông tư này. Các đại biểu tham dự cuộc họp thống nhất với bố cục và nội dung dự thảo Thông tư. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, theo quy định hiện hành về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản thì có quy định về tỷ lệ phần trăm nộp ngân sách và tỷ lệ phần trăm trích để lại cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản nhà nước tỉnh đối với các khoản thu trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, theo quy định tại dự thảo Thông tư thì không quy định cụ thể về tỷ lệ nộp ngân sách và tỷ lệ được trích để lại. Do vậy, nhằm bảo đảm về chi phí hoạt động cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản nhà nước tỉnh, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo Thông tư quy định về tỷ lệ phần trăn trích nộp ngân sách và tỷ lệ phần trăm được trích để lại đối với các khoản thu trong hoạt động đấu giá tài sản của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản nhà nước tỉnh.

Thứ hai, Khoản 2, Điều 3 dự thảo Thông tư quy định “Tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản có trách nhiệm thu tiền mua hồ sơ và tiền đặt trước của người đăng ký tham gia đấu giá … và được sử dụng để chi trả các chi phí được phép chi quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này…”. Theo quy định này thì tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản được phép sử dụng tiền đặt trước để chi cho các khoản chi theo quy định. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 8 dự thảo Thông tư quy định “Tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác”. Như vậy, Khoản 2, Điều 3 dự thảo Thông tư (được phép sử dụng tiền đặt trước) mâu thuẫn với Khoản 2, Điều 8 dự thảo Thông tư (không được sử dụng tiền đặt trước). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất giữa Khoản 2, Điều 3 dự thảo Thông tư với Khoản 2, Điều 8 dự thảo Thông tư.

Đồng thời, các thành viên tham dự cuộc họp có một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với dự thảo Thông tư về ngôn ngữ và kỹ thuật soạn thảo văn bản để phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Tác giả bài viết: Thành Luân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây