Thứ nhất, theo phân cấp tại Khoản 1, Điều 66 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì “Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Trường hợp đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định”. Căn cứ theo sự phân cấp trên, đa số ý kiến thống nhất với việc Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư Quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản là cần thiết và phù hợp với thẩm quyền đã được phân cấp.
Thứ hai, đa số ý kiến thống nhất với Phương án 1 (khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản của một cuộc bán đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản thành) được đưa ra tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 dự thảo Thông tư. Bởi vì, việc thực hiện theo Phương án 1 sẽ phù hợp với tình hình thực tiễn, giúp các tổ chức bán đấu giá tài sản chủ động, linh hoạt hơn so với việc áp dụng Phương án 2 được đưa ra tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 dự thảo Thông tư.
Thứ ba, dự thảo Thông tư này mới chỉ quy định về khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản. Hiện nay, chưa có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các khoản phí, khoản thù lao khác theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016; chưa có quy định về tỷ lệ phần trăm (%) mà Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản được trích lại đối với khoản thu của Trung tâm. Trong khi đó, thời gian từ nay cho đến thời điểm Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực là tương đối ngắn, khoảng hơn 03 tháng (ngày 01/7/2017 là ngày Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực thi hành). Do vậy, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi, đa số ý kiến đề nghị Bộ Tài chính sớm xây dựng và ban hành các Thông tư quy định về các khoản phí, thù lao khác và hướng dẫn thi hành các vấn đề khác có liên quan để thuận tiện, hạn chế bất cập, vướng mắc khi triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Ngoài ra, các thành viên tham gia cuộc họp còn có ý kiến về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản và một số nội dung khác để kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ nội dung dự thảo Thông tư./.
Tác giả bài viết: Thành Luân