Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp

Thứ hai - 08/07/2024 16:40 416 0
Bộ Tư pháp vừa ban hành Công văn số 3710/BTP-BTTP ngày 04/7/2024 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp. Theo nhận định của Bộ Tư pháp, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động bổ trợ tư pháp cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, trong đó có tình trạng vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân hành nghề.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Một là, thực hiện tốt chức năng quản lý và giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp tại địa phương theo quy định của pháp luật và các văn bản các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó cần tập trung vào một số nội dung mà thời gian qua còn những hạn chế, vi phạm được dư luận quan tâm, như:
- Trong lĩnh vực luật sư: Việc phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực; vi phạm đạo đức nghề nghiệp; vi phạm pháp luật; dùng danh nghĩa luật sư để thực hiện những công việc không đúng phạm vi, tính chất nghề nghiệp như thu hồi nợ, đại diện trái pháp luật...
- Trong lĩnh vực công chứng: Việc hợp danh, chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, thành lập Văn phòng công chứng không đúng quy định; đăng ký hoạt động nhưng thực tế không hành nghề tại Văn phòng công chứng nơi đăng ký; công chứng, chứng thực không đúng quy định nhất là khi chưa có đầy đủ tài liệu, hồ sơ; công chứng ngoài trụ sở; chi tiền hoặc lợi ích khác cho khách hàng; quảng cáo hoạt động công chứng...
- Trong lĩnh vực đấu giá tài sản: Việc thành lập, hoạt động của Chi nhánh của Công ty đấu giá tài sản; niêm yết, thông báo việc đấu giá tài sản; thông đồng dìm giá hoặc trả giá quá cao nhằm mục đích trục lợi, ...
- Trong lĩnh vực thừa phát lại: Tiếp nhận yêu cầu không đúng quy định, nội quy về tiếp người yêu cầu tại trụ sở văn phòng; việc lập vi bằng vi phạm quy định về phạm vi, thẩm quyền hoặc lợi dụng lập vi bằng để thực hiện các giao dịch trái quy định của pháp luật (nhất là trong lĩnh vực đất đai)...
Đối với những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp không trực tiếp thuộc chức năng quản lý nhà nước, Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, chính quyền địa phương quan tâm tăng cường quản lý, xử lý vi phạm hành chính như: việc đăng tải thông tin, đặt biển hiệu không đúng quy định; làm giả giấy tờ, tài liệu; đặt văn phòng đại diện để tiếp nhận yêu cầu công chứng; cản trở, gây rối cuộc đấu giá tài sản...
Hai là, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, thẩm tra ban đầu đối với đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, bổ nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp. Sở Tư pháp cần rà soát kỹ đảm bảo các trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề, bổ nhiệm đúng quy định, trong đó cần lưu ý các tiêu chuẩn, điều kiện như: Tiêu chuẩn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, phẩm chất đạo đức; thời gian công tác pháp luật và văn bằng, chứng chỉ... Việc thẩm tra ban đầu của Sở Tư pháp phải tuân theo trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết. Văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ, bổ nhiệm để hành nghề phải thể hiện rõ căn cứ và quan điểm của Sở Tư pháp về việc đề nghị cấp, tránh tình trạng chỉ ghi nhận và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét cấp.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý tổ chức, cá nhân hành nghề bổ trợ tư pháp; thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin lên Hệ thống phần mềm quản lý theo quy định./.

Tác giả bài viết: Thanh Chung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây