Đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động cho, nhận con nuôi để mua bán trẻ em
Thanh Chung
2024-08-02T15:46:07+07:00
2024-08-02T15:46:07+07:00
https://stp.binhdinh.gov.vn/hoat-dong-thanh-tra-hanh-chinh-va-bo-tro-tu-phap/don-doc-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-viec-loi-dung-cac-hoat-dong-cho-nhan-con-nuoi-de-mua-ban-tre-em-4073.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp Bình Định
https://stp.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Bộ Tư pháp vừa ban hành Công văn số 4260/BTP-CN ngày 30/7/2024 về việc đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động cho, nhận con nuôi để mua bán trẻ em. Theo nội dung Công văn, thời gian gần đây, qua phản ánh của báo chí cũng như Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV8) đưa tin về việc các đối tượng lợi dụng trang mạng xã hội hoặc bằng những phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi để mua bán trẻ em trên địa bàn một số địa phương.
Nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động cho, nhận con nuôi để mua bán trẻ em và triển khai thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động cho, nhận con nuôi; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động cho, nhận con nuôi nhằm phòng chống việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người. Cụ thể, đôn đốc thực hiện bảy biện pháp sau:
Một là, chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ở địa phương rà soát các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã, đang được xem xét giải quyết làm con nuôi, bao gồm con nuôi trong nước và con nuôi có yếu tố nước ngoài đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nuôi con nuôi và pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Hai là, rà soát việc đăng ký khai sinh đối với trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn tỉnh/thành phố; đánh giá về trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh có đảm bảo đúng quy định pháp luật hộ tịch hay không.
Ba là, chủ động phối hợp với ngành lao động thương binh và xã hội trong việc rà soát, đánh giá việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và cho trẻ em làm con nuôi, bảo đảm đúng đối tượng theo quy định của pháp luật, phòng ngừa việc mua bán người.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động cho, nhận con nuôi nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.
Năm là. phối hợp với các cơ quan có liên quan ở địa phương tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Sáu là, tiếp tục đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo Công văn số 1946/BTP-CN ngày 17/4/2024 của Bộ Tư pháp về việc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi đã gửi cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bảy là, chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ở địa phương rà soát các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được xác nhận đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài nhưng chưa được giải quyết cho làm con nuôi và các trường hợp đang trong quá trình thực hiện thủ tục xác nhận đủ điều kiện làm con nuôi đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nuôi con nuôi và pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng yêu cầu các Sở Tư pháp báo cáo kết quả rà soát về Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) trước ngày 05 tháng 9 năm 2024./.
Tác giả bài viết: Thanh Chung