1. Đối với việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công sử dụng từ nguồn vốn đầu tư phát triển thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp dự toán chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công lớn hơn 30% nguyên giá theo sổ kế toán thì thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này).
3. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo chế độ, định mức Nhà nước quy định từ các nguồn: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; nguồn thu hoạt động sự nghiệp; nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; nguồn vốn vay, vốn huy động; nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nhiều nguồn vốn để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, trong đó có nguồn ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện theo dự toán chi từ nguồn kinh phí của các tổ chức này.
6. Về thẩm quyền quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công: Đối với tài sản công đã có quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định thì Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện theo quy định. Đối với tài sản công chưa có quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định thì căn cứ vào hướng dẫn của nhà sản xuất và thực tế sử dụng tài sản công, giao thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thuộc phạm vi quản lý. /.