Theo đó, tại Điều 8 của Quyết định đã quy định về trách nhiệm của sở, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, nội dung phân cấp, cụ thể như sau:
1. Quản lý tuyển dụng
a) Xác định số lượng, cơ cấu công chức cần tuyển dụng gửi Sở Nội vụ thẩm định; phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện tuyển dụng công chức theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh; quyết định phân công công tác cho công chức sau khi có quyết định tuyển dụng công chức;
b) Xác định số lượng, nhu cầu tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp; dự thảo kế hoạch tuyển dụng gửi Sở Nội vụ thẩm định trước khi phê duyệt chỉ tiêu và kế hoạch tuyển dụng viên chức;
c) Thành lập Hội đồng thi tuyển hoặc xét tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật;
d) Quyết định công nhận kết quả tuyển dụng; quyết định tuyển dụng viên chức; ký hợp đồng làm việc đối với người trúng tuyển. Quyết định hủy bỏ quyết định tuyển dụng viên chức khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật theo quy định.
đ) Các sở thực hiện giám sát Kế hoạch tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Quản lý ngạch, chức danh nghề nghiệp và chế độ tiền lương
a) Báo cáo về số lượng, cơ cấu ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, nhu cầu nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
b) Tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng IV;
c) Quyết định bổ nhiệm và xếp lượng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với chức danh hạng III, hạng IV;
d) Thực hiện xét chuyển ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức khi công chức, viên chức thay đổi vị trí việc làm mà ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đang giữ không phù hợp với vị trí việc làm mới;
đ) Quyết định việc thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Quản lý tiếp nhận, điều động, luân chuyển, biệt phái
a) Quyết định tiếp nhận công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh theo quy định;
b) Quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định;
c) Quyết định cho chuyển công tác đối với công chức; chấm dứt hợp đồng làm việc để chuyển công tác đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
4. Quản lý đào tạo, bồi dưỡng
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Quyết định cử công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
5. Quản lý quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cho thôi giữ chức vụ và chính sách khác
a) Phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định;
b) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, miễn nhiệm, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, đình chỉ chức vụ đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định;
c) Thông báo, quyết định nghỉ hưu, nghỉ việc và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
6. Quản lý đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
7. Quản lý khen thưởng, kỷ luật
a) Quyết định khen thưởng công chức, viên chức theo thẩm quyền quản lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng theo quy định;
b) Quyết định kỷ luật công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
8. Thực hiện việc quản lý hồ sơ công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
9. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo./.