Kết luận của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân tại buổi làm việc đối với Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định

Thứ hai - 21/02/2022 12:58 325 0
Ngày 15 tháng 02 năm 2022, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân đã chủ trì tại buổi làm việc với Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định về việc triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tham dự tại buổi làm việc có đại diện Văn phòng Sở Tư pháp, Trưởng các phòng nghiệp vụ trực thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định.
Quang cảnh buổi làm việc với Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định
Quang cảnh buổi làm việc với Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định
Sau khi nghe Lãnh đạo Trung tâm báo cáo một số nội dung liên quan đến việc triển khai nhiệm vụ trợ giúp pháp lý năm 2022 và các ý kiến tham gia thảo luận tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân đã biểu dương, đánh giá cao trong triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước còn những tồn tại, hạn chế như: Việc đề ra các giải pháp tham mưu cho Hội đồng Phối hợp Liên ngành về Trợ giúp Pháp lý trong hoạt động Tố tụng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; việc chấn chỉnh một số tồn tại, sai sót trong việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý qua đánh giá chất lượng năm 2021 chưa thật sự rõ nét, tích cực; công tác phối hợp, điều hành nhằm khai thác nguồn đối tượng và tiến hành trợ giúp pháp lý có mặt còn hạn chế, lúng túng dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu thi đua của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thiếu tính cân đối, hài hòa; tình trạng các Trợ giúp viên pháp lý thụ lý vụ việc thông qua các mối quan hệ cá nhân.
Về định hướng trong thời gian tới, đồng chí đã yêu cầu Lãnh đạo Trung tâm quan tâm thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
1. Tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp Liên ngành về Trợ giúp Pháp lý trong hoạt động Tố tụng theo hướng chú trọng việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo (các cơ quan có thành viên Hội đồng không ban hành văn bản cụ thể hóa kế hoạch của Hội đồng tỉnh); khắc phục “khoảng trống” ở nhiều địa phương trong công tác trợ giúp pháp lý ở lĩnh vực dân sự; đổi mới phương thức kiểm tra…
2. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện để phát hiện, khắc phục tình trạng bỏ sót nguồn đối tượng và phân công Trợ giúp viên thông qua cơ chế điều hành của Lãnh đạo Trung tâm.
Trên cơ sở phát huy tính chủ động xây dựng các mối quan hệ công tác của mỗi Trợ giúp viên để phân công, cần chú trọng đặc điểm địa bàn và tính chất từng vụ việc đảm bảo nguyên tắc; tính khoa học, hợp lý; phù hợp với năng lực, sở trường của từng Trợ giúp viên; đảm bảo tỷ lệ các vụ việc trợ giúp một cách hài hòa giữa các cá nhân trợ giúp viên là Lãnh đạo Trung tâm với các Trợ giúp viên; giữa các Trợ giúp viên với nhau.
3. Đổi mới phương thức đánh giá năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thông qua việc xem xét tính toàn diện các vụ việc đã trợ giúp (có án hình sự và dân sự); thực hiện chế độ miễn, giảm chỉ tiêu vụ việc đối với Trợ giúp viên và Lãnh đạo Trung tâm nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp và tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành theo tinh thần Công văn số 5008/BTP-TGPL ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Tư pháp.

Tác giả bài viết: Việt Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 3.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây