Ngày 05 tháng 4 năm 2022, Sở Tư pháp ban hành kế hoạch số 24/KH-STP về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 17-KH/TU ngày 21/02/2022 của Tỉnh ủy Bình Định về thực hiện công tác quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, quy trình quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Phòng và tương đương thuộc Sở Tư pháp giai đoạn 2026 – 2031 được thực hiện theo 05 bước, cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị nguồn cán bộ dự kiến giới thiệu quy hoạch. Đối với khối Văn phòng Sở, các Phòng thuộc khối Văn phòng Sở tổ chức họp công chức của Phòng thống nhất giới thiệu nguồn quy hoạch lãnh đạo cấp phòng gửi Sở Tư pháp (qua Văn phòng sở) để tham mưu tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1); thành phần dự họp gồm công chức trong nội bộ Văn phòng sở, Thanh tra sở, các phòng chuyên môn. Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở tổ chức họp viên chức của đơn vị để thống nhất giới thiệu nguồn quy hoạch lãnh đạo cấp phòng và tương đương gửi Sở Tư pháp (qua Văn phòng sở) để tham mưu tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1); thành phần dự họp gồm viên chức toàn cơ quan.
Bước 2: Tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1). Trên cơ sở tổng hợp danh sách quy hoạch lãnh đạo cấp Phòng và tương đương của các Phòng và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, tập thể lãnh đạo Sở Tư pháp thảo luận, phân tích và thông qua danh sách nguồn nhân sự cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để trình các hội nghị xem xét, giới thiệu quy hoạch. Thành phần dự họp gồm: Tập thể lãnh đạo Sở Tư pháp.
Bước 3: Tổ chức Hội nghị để giới thiệu nguồn quy hoạch. Đối với khối Văn phòng Sở, trên cơ sở danh sách nguồn nhân sự được tập thể lãnh đạo Sở Tư pháp thông qua tại hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1), hội nghị tiến hành giới thiệu nguồn quy hoạch (bằng phiếu kín); nhân sự được giới thiệu phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý ít nhất trên 50% so với tổng số người có mặt để đưa vào danh sách giới thiệu ở bước sau; thành phần dự họp gồm: Công chức khối Văn phòng Sở Tư pháp; cấp ủy, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên cơ quan. Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, trên cơ sở danh sách nguồn nhân sự được tập thể lãnh đạo Sở Tư pháp thông qua tại hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1), các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở tổ chức Hội nghị để lấy ý kiến giới thiệu nguồn quy hoạch (bằng phiếu kín); nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý ít nhất trên 50% so với tổng số người có mặt. Sau hội nghị, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổng hợp kết quả giới thiệu nguồn quy hoạch gửi Sở Tư pháp (qua Văn phòng sở) để đưa vào danh sách giới thiệu ở bước sau; thành phần dự họp gồm: Viên chức toàn cơ quan; cấp ủy; Trưởng các đoàn thể ở cơ quan.
Bước 4: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng. Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự, tập thể lãnh đạo mở rộng tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự quy hoạch (bằng phiếu kín). Nhân sự được giới thiệu phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý ít nhất trên 50% so với tổng số người có mặt để đưa vào danh sách giới thiệu ở bước sau. Thành phần dự họp gồm: Tập thể lãnh đạo Sở Tư pháp; cấp ủy; Trưởng các Phòng và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
Bước 5: Tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2). Căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng, độ tuổi, tỉ lệ cán bộ nữ theo quy định; đồng thời, trên cơ sở tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan và kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 3 và bước 4, tập thể lãnh đạo tiến hành thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiêu kín) để đưa vào danh sách đề nghị phê duyệt quy hoạch. Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỉ lệ phiếu đồng ý ít nhất trên 50% so với tổng số người được triệu tập và lấy từ trên xuống cho đủ số lượng theo quy định. Trường họp có từ 2 người trở lên có số phiếu bằng nhau trên 50%, thì giao cho người đứng đầu xem xét, quyết định lựa chọn nhân sự. Thành phần dự họp gồm: Tập thể lãnh đạo Sở Tư pháp.
Khi triển khai thực hiện công tác quy hoạch, cần lưu ý một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, rà soát, đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, đánh giá cán bộ theo các tiêu chí: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật và việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Năng lực công tác, kết quả, hiệu quả công việc, mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; Uy tín; Chiều hướng, triển vọng phát triển, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức danh quy hoạch.
Thứ hai, về tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi. Theo đó, tiêu chuẩn đối với cán bộ quy hoạch, cơ bản thực hiện như tiêu chuẩn bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với chức danh theo quy định hiện hành. Tại thời điểm quy hoạch, cấp có thẩm quyền có thể xem xét, phê duyệt quy hoạch đối với những cán bộ cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định. Độ tuổi, cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn 1 nhiệm kỳ kế tiếp đó (60 tháng). Khi rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, cán bộ đưa vào quy hoạch phải còn đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.
Thứ ba, về số lượng, cơ cấu, mỗi chức danh quy hoạch không quá ba cán bộ và một cán bộ quy hoạch không quá ba chức danh ở cùng cấp. Phấn đấu cơ cấu, tỉ lệ quy hoạch theo hướng cán bộ nữ từ 25% trở lên.
Thứ tư, về đối tượng quy hoạch chức danh Trưởng phòng và tương đương bao gồm đối tượng 1à các Phó Trưởng phòng và tương đương; Đối tượng 2 là Chuyên viên được quy hoạch chức danh đối tượng 1.
Thứ năm, về quy trình quy hoạch, các hội nghị được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt. Kết quả biểu quyết giới thiệu tại bước 5 được công bố tại hội nghị tập thể lãnh đạo. Đối với kết quả kiểm phiếu phát hiện, giới thiệu ở các bước còn lại không công bố tại hội nghị tương ứng./.