Hướng dẫn quy trình bổ nhiệm lại cán bộ

Thứ hai - 09/05/2022 14:18 7.892 0
Ngày 28 tháng 4 năm 2022, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định ban hành Hướng dẫn số 750/HD-SNV hướng dẫn quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các phòng, đơn vị thuộc, trực thuộc Sở. Theo đó, Sở Nội vụ hướng dẫn quy tình bổ nhiệm lại cán bộ, cụ thể như sau:
1. Thời hạn thực hiện: Chậm nhất 90 ngày trước khi cán bộ hết thời hạn bổ nhiệm, người đứng đầu và tập thể lãnh đạo phòng, đơn vị báo cáo Lãnh đạo Sở xem xét chủ trương bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định của pháp luật. Đối với chức danh Chi cục trưởng và tương đương phải báo cáo xin chủ trương bổ nhiệm lại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ). Chậm nhất 60 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, Lãnh đạo Sở phải ra thông báo thực hiện quy trình xem xét bổ nhiệm lại đối với cán bộ. Sau khi cấp có thẩm quyền nhất trí chủ trương bổ nhiệm lại, chậm nhất trong thời gian 15 ngày làm việc, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ tổ chức thực hiện quy trình bổ nhiệm lại.
2. Trình tự thực hiện:
Bước 1: Công chức làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ gửi cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.
Bước 2: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến về việc bổ nhiệm lại.
Đối với các đơn vị trực thuộc Sở thì tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt. Thành phần bao gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị; tập thể Chi ủy (hoặc Bí thư, Phó Bí thư chi bộ); người đứng đầu các phòng thuộc đơn vị; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị. Đối với đơn vị có dưới 30 người hoặc không có tổ chức cấu thành thì thành phần tham dự gồm toàn thể viên chức của đơn vị.
Đối với phòng thuộc Sở, thành phần gồm toàn thể công chức và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (nếu có). Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập có mặt. Trình tự lấy ý kiến: Công chức được xem xét để bổ nhiệm lại báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ. Hội nghị tham gia góp ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm bằng phiếu kín đối với công chức được xem xét để bổ nhiệm lại. Biên bản hội nghị, biên bản kiểm phiếu được gửi lên cấp có thẩm quyền bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này.
Bước 3: Lấy ý kiến tham gia của Đảng ủy cơ sở cơ quan hoặc Chi ủy cơ sở cơ quan bằng văn bản đối với nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại.
Bước 4: Hội nghị tập thể Lãnh đạo Sở. Thành phần bao gồm Giám đốc, các Phó Giám đốc Sở. Nội dung: Phân tích kết quả lấy phiếu ở hội nghị cán bộ, công chức hoặc hội nghị toàn thể công chức. Công chức được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt tỉ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập tham gia hội nghị giới thiệu tại Bước 2. Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có). Tập thể Lãnh đạo Sở thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt tỉ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên Lãnh đạo Sở đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỉ lệ 50% thì do Giám đốc Sở quyết định; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định (đối với chức danh Chi cục trưởng và tương đương).
Bước 5: Giám đốc Sở ra Quyết định bổ nhiệm lại theo thẩm quyền; lập thủ tục, hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến nhân sự bổ nhiệm lại chức danh Chi cục trưởng và tương đương./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây