Về quản lý tuyển dụng:
Tổ chức tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ về kế hoạch và chỉ tiêu tuyển dụng (Sở Nội vụ không thẩm định kết quả tuyển dụng); hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý tự tổ chức tuyển dụng viên chức theo quy định (Sở Nội vụ không thẩm định về kế hoạch, chỉ tiêu và kết quả tuyển dụng). Trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các phương thức tuyển dụng gồm: thi tuyển, xét tuyển và tiếp nhận vào làm viên chức.
Công nhận kết quả tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc thẩm quyền tổ chức tuyển dụng; quyết định tuyển dụng đối với viên chức trúng tuyển; hủy bỏ quyết định tuyển dụng viên chức khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật theo quy định; hướng dẫn người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý ký hợp đồng làm việc đối với viên chức trúng tuyển theo quy định.
Đối với sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý của Sở quyết định: công nhận kết quả tuyển dụng viên chức thuộc thẩm quyền tổ chức tuyển dụng; tuyển dụng đối với viên chức trúng tuyển; ký hợp đồng làm việc đối với người trúng tuyển; hủy bỏ quyết định tuyển dụng viên chức khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật theo quy định.
Về quản lý ngạch, chức danh nghề nghiệp và chế độ tiền lương:
Tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng IV. Trong đó, chỉ tiêu thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; chỉ tiêu thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng IV do các Sở, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Các Sở, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận kết quả, bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng IV thuộc thẩm quyền tổ chức.
Thực hiện xét chuyển ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức khi công chức, viên chức thay đổi vị trí việc làm mà ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đang giữ không phù hợp với vị trí việc làm mới, gồm các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp nhân viên, cán sự, chuyên viên và chuyên viên chính hoặc tương đương.
Đối với công chức ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính do thay đổi vị trí công tác thì phải lập thủ tục trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ và Thanh tra tỉnh) để miễn nhiệm trước khi quyết định.
Đối với viên chức sau khi hết thời gian tập sự hoặc không thực hiện chế độ tập sự thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức đồng thời là cơ quan, đơn vị bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương cho viên chức được tuyển dụng theo quy định.
Quyết định thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý (Sở Nội vụ không thỏa thuận hoặc quyết định).
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên mà thuộc Sở thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên mà thuộc Sở thì Giám đốc Sở quyết định hoặc có thể ủy quyền để người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định sau khi trình Giám đốc Sở xem xét, có ý kiến chỉ đạo.
Quyết định tiếp nhận, điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển công tác đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Đối với các trường hợp là công chức, sau khi quyết định gửi Sở Nội vụ để theo dõi.
Trường hợp tiếp nhận viên chức, cán bộ, công chức cấp xã vào làm công chức mà phải thực hiện kiểm tra, sát hạch thì trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để tổ chức kiểm tra, sát hạch.
Về quản lý quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cho thôi giữ chức vụ và chính sách khác:
Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, miễn nhiệm, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, đình chỉ chức vụ đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục và lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) đối với các chức cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Giám đốc Sở lập thủ tục, hồ sơ xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) về: chủ trương thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ; nhân sự đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định đối với các chức danh Chi cục trưởng và tương đương.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên mà thuộc Sở thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên mà thuộc Sở thì Giám đốc Sở quyết định hoặc có thể ủy quyền để người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định sau khi trình Giám đốc Sở xem xét, có ý kiến chỉ đạo.
Đối với một số chức danh cần thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành như:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng ban, Phó Trưởng ban Ban Tiếp công dân tỉnh; bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản; bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng Phòng Công chứng.
Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra sở sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.
Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm kế toán trưởng, phụ trách kế toán thực hiện theo quy định của Luật Kế toán và quy định của Bộ Nội vụ.
Tiếp nhận viên chức, cán bộ, công chức cấp xã để bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý phải thực hiện quy trình, thủ tục tiếp nhận vào làm công chức và gửi Sở Nội vụ thỏa thuận trước khi quyết định bổ nhiệm.
Về quản lý đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý:
Tổ chức đánh giá, đề xuất xếp loại chất lượng và lập thủ tục đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) xếp loại chất lượng đối với các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Hằng năm, tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ theo quy định.
Về thực hiện việc quản lý hồ sơ công chức, viên chức:
Lập và quản lý hồ sơ công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Sở và hồ sơ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở theo quy định.
Định kỳ hằng năm, cập nhật, bổ sung hồ sơ cán bộ giữ các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh và gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, theo dõi. /.