10 sự kiện nổi bật năm 2023 của ngành Tư pháp

Thứ năm - 04/01/2024 15:21 257 0
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ký Quyết định số 3076/QĐ-BTP Phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp trong năm 2023.
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)
1. Tập trung triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Ngay sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW được ban hành, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng các Bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trên cơ sở đó, bám sát vào nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, ngày 22/5/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (theo Quyết định số 764/QĐ-BTP ngày 22/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) tạo cơ sở quan trọng để tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW được triển khai sâu rộng trong hoạt động của Bộ, ngành.
Công tác tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch số 11-KH/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đến nay, 100% các đơn vị trong Bộ Tư pháp đã tiến hành tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kế hoạch 11-KH/TW thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề tại đơn vị. 100% đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan Bộ được nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW góp phần tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức tư tưởng và hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Bộ, ngành Tư pháp.
2. Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ
Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã tích cực tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Quán triệt quan điểm coi công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp, Nghị quyết đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
3. Kết quả rà soát văn bản do Bộ, ngành Tư pháp chủ trì thực hiện đảm bảo chất lượng, có giá trị pháp lý và thực tiễn thiết thực, hiệu quả
Công tác rà soát VBQPPL tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời theo quy định và chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống VBQPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội khóa XV với tổng số văn bản được rà soát là 532 văn bản, tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm; đồng thời tổ chức rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 350 văn bản để phục vụ triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả rà soát được cử tri cả nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở trung ương, địa phương ghi nhận, đánh giá cao, qua đó đã giúp phát hiện các mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn trong các quy định pháp luật và là nguồn dữ liệu “đầu vào” quan trọng để cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Lần đầu tiên thiết lập cơ chế phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự
Ngày 27/11/2023, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự số 5789/CTPH-BTP-BCA. Theo đó, nhằm bảo đảm người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời ngay tại giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của họ, hạn chế bỏ sót đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Việc ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vai trò, chất lượng của trợ giúp pháp lý trong tố tụng tư pháp, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
5. Kết quả thi hành án dân sự về việc, về tiền và thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế đều đạt cao nhất từ trước đến nay
Năm 2023, mặc dù số thụ lý mới về việc và giá trị tăng cao, bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, kịp thời, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Bộ Tư pháp; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, cơ quan hữu quan và với sự nỗ lực của toàn hệ thống nên kết quả THADS xong về việc, về tiền trong số có điều kiện đạt cao nhất từ trước đến nay, thi hành xong 574.819 việc, thu, giải quyết trên 89 ngàn tỷ đồng, tăng trên 14 nghìn tỷ đồng so với năm 2022 (trong đó, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng trên 4.415 tỷ đồng).
          6. Bước đột phá trong hướng dẫn vị trí việc làm cho cơ quan tư pháp các cấp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTP ngày 29/6/2023 quy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp và Thông tư số 06/2023/TT-BTP ngày 18/9/2023 hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Sự kiện lần đầu tiên Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn vị trí việc làm đã là cơ sở pháp lý quan trọng cho cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị thuộc Bộ trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm tạo tiền đề cho việc bố trí biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo… được bài bản, khoa học, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.
7. Tổ chức thành công Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV và Lễ tôn vinh 50 gương sáng pháp luật Việt Nam năm 2023
Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; biểu dương, tôn vinh đội ngũ hòa giải viên và tạo diễn đàn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ này. Hội thi đã thu hút sự tham gia của 63 đội thi đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sau 03 vòng thi khu vực, ngày 08/11/2023, Vòng thi toàn quốc đã được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Lễ tổng kết và trao giải Hội thi được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và tường thuật trực tiếp trên kênh VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam. Hội thi đã nhận được sự quan tâm, theo dõi và đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân và các cơ quan báo chí, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội.
Cũng trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, ngày 01/11/2023, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức thành công Lễ tôn vinh 50 Gương sáng Pháp luật lần thứ II năm 2023. Chương trình đã biểu dương, tôn vinh 50 gương mặt là các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó lan toả những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của công dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
8. Tích cực, chủ động tham gia định hình các khuôn khổ hợp tác pháp luật và tư pháp trên bình diện đa phương và toàn cầu, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác song phương
Lần đầu tiên trong lịch sử, hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN và Nhật Bản và Phiên họp giữa các Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – G7 được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 7/2023, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – G7, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Nhật Bản. Sự kiện này đã gợi mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp các nước G7. Hợp tác song phương tiếp tục được thúc đẩy với Bộ Tư pháp các nước từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ đến châu Phi với các điểm nhấn như ký kết các Bản ghi nhớ, chương trình hợp tác với Bộ Tư pháp các nước Ả rập xê út, Hungary, Cuba, Argentina, Algérie,... đón các Đoàn Bộ trưởng Tư pháp các nước Lào, Cuba, Hungary đến thăm và làm việc.
9. Chính thức cấp giấy tờ hộ tịch điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo, Bộ Tư pháp đã thực hiện nâng cấp, bổ sung tính năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử của Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, gửi cho Phần mềm dịch vụ công liên thông, thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 17/4/2023. Qua hơn 01 tháng triển khai thí điểm, thành phố Hà Nội đã cấp hơn 9.500 bản điện tử Giấy khai sinh, 710 bản điện tử Trích lục khai tử; tỉnh Hà Nam cấp hơn 1.600 bản điện tử Giấy khai sinh, 450 bản điện tử Trích lục khai tử.
Việc cấp giấy tờ hộ tịch điện tử đã góp phần đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, việc cấp giấy tờ hộ tịch điện tử cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
10. Trường Đại học Luật Hà Nội hoàn thành kiểm định cơ sở đào tạo chu kỳ 3 và 4 chương trình đào tạo chủ chốt; có nhiều dấu ấn trong nghiên cứu khoa học pháp lý
Trong năm 2023, Trường Đại học Luật Hà Nội đã hoàn thành công tác tự đánh giá và được kiểm định chất lượng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 3, là một trong số ít các cơ sở đào tạo được kiểm định và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học 3 chu kỳ liên tiếp. Đồng thời, Trường đã hoàn thành kiểm định và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng 4 chương trình đào tạo chủ chốt trong lĩnh vực đào tạo cán bộ pháp luật…/.

Tác giả bài viết: V.H

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây