Phát biểu khai mạc tập huấn đồng chí Châu Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã nhấn mạnh “Giám định tư pháp” là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án hình sự, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Cùng với việc Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Tố tụng hành chính 2015, các luật liên quan khác và các Thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020 và Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã tạo sự liên thông, đồng bộ giữa quy định của pháp luật về giám định tư pháp với quy định của pháp luật về tố tụng, là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng.
Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp đã triển khai một số chuyên đề có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp. Đồng thời, tham gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng trong quá trình thực hiện công tác giám định tư pháp.
Buổi tập huấn, bồi dưỡng lần này với mục đích tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung cơ bản của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và các quy định pháp luật có liên quan hoạt động giám định tư pháp đến đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc giúp họ nắm bắt đầy đủ, hệ thống các quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, từ đó thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động giám định tư pháp.
Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của hoạt động tố tụng cũng như nhu cầu xã hội về giám định tư pháp. Cùng đó nâng cao nhận thức của các sở, ngành, cơ quan và người có trách nhiệm về vị trí, vai trò của hoạt động giám định tư pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Định./.