Trong một buổi, các thành viên tham dự cuộc họp đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đối với dự thảo Nghị định, cụ thể như: Đề nghị chọn một tên gọi duy nhất là“Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước của cộng đồng dân cư”, bởi vì quy ước là nội dung bên trong của hương ước quy ước nên không cần thiết đưa vào tên gọi chính của Nghị định mà để trong phần giải thích từ ngữ cho dễ hiểu; đề nghị cân nhắc bỏ cụm từ “thôn, tổ dân phố”, bởi vì theo quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định thì cộng đồng dân cư không chỉ là “thôn, tổ dân phố” mà còn có thể là “làng, bản, ấp, buôn, bon, phum, sóc, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu”; việc giải thích khái niệm “Hương ước, quy ước vi phạm là văn bản...” tại khoản 1 Điều 2 là khá rộng, do đó đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa cách giải thích từ ngữ đối với “Hương ước, quy ước vi phạm” theo hướng “Hương ước, quy ước vi phạm là những hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc trái phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc được áp dụng tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc vi phạm quy định về thông qua, công nhận hương ước, quy ước quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan”; đề nghị rà soát và nghiên cứu thay thế toàn bộ các từ “thôn”, “tổ dân phố”, cụm từ “thôn, tổ dân phố” tại Điều 6, Điều 7 bằng cụm từ “cộng đồng dân cư” nhằm thể hiện đầy đủ và chính xác nội dung quy định về các đối tượng được tác động của các quy định này, hoặc nếu giữ quy định như Điều 6, Điều 7 dự thảo Nghị định thì cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu chỉnh sửa quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định theo hướng gọi tắt cộng đồng dân cư gồm: Thôn, làng, bản, ấp, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu là thôn, tổ dân phố nhằm đảm bảo cho các quy định được rõ nghĩa, thống nhất; đề nghị thay thế cụm từ có lớn hơn hoặc bằng 10% tổng số hộ tại điểm b khoản 1 Điều 7 bằng cụm từ có từ 10% trở lên trong tổng số hộ; đề nghị mở rộng thời gian có hiệu lực thi hành để đảm bảo không có khoảng trống khi khoản 5 Điều 10 quy định “Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hương ước, quy ước cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để tổ chức thực hiện” và khoản 6 Điều 10 quy định “Hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định công nhận”; để nghị bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 13 để quy định nội dung sơ kết, tổng kết việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn với biểu dương, khen thưởng những hộ gia định thực hiện tốt; phê bình những hộ gia đình không thực hiện tốt trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11)…
Bên cạnh đó, các thành viên dự họp còn có nhiều ý kiến về kỹ thuật trình bày đối với dự thảo Nghị định như: Đề nghị bổ sung từ “phạm” sau từ “vi” tại khoản 4 Điều 15 cho đầy đủ, chính xác về nghĩa; đề nghị bỏ từ “số” sau từ “Quyết định” tại khoản 2 Điều 21 vì thừa từ; đề nghị rà soát, thống nhất viết thường từ “khoản” trong Nghị định nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP; đề nghị rà soát, sửa lỗi chính tả đối với từ “Điều” tại điểm c khoản 2 Điều 7 vì sai dấu; đề nghị sửa cụm từ “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh/thành phố” khoản 3, 4 Điều 14 thành “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” nhằm đảm bảo phù hợp với khoản 8 Điều 10 của dự thảo Nghị định...
Thực tế, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước sau gần 05 năm thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức tới công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hương ước, quy ước trong tự quản cộng đồng thôn, làng. Một số nơi tuy đã xây dựng, công nhận hương ước nhưng việc thực hiện hương ước, quy ước còn mang tính hình thức, hiệu quả và tác dụng thực tế đối với quản lý cộng đồng chưa cao. Nhiều hương ước, quy ước còn sơ sài về nội dung, sao chép, chưa thể hiện được đặc điểm về kinh tế, xã hội cũng như phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa riêng của mỗi thôn, làng. Hình thức hương ước, kỹ thuật soạn thảo, trình tự thủ tục xây dựng, ban hành một số nơi còn chưa tuân thủ chặt chẽ quy định. Hương ước, quy ước ở một số địa phương còn chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chưa cao…
Ngày 10/11/2023, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, khoản 4 Điều 23 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở giao “Chính phủ quy định chi tiết ...việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư”. Việc ban hành Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư nhằm quy định chi tiết Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước./.