Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thứ ba - 02/08/2022 05:28 449 0
Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp tại nước ta. Cùng với sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết, một số bệnh khác như cúm mùa, tay chân miệng cũng đang vào thời điểm tăng theo mùa. Tại tỉnh ta, theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến ngày 20/7/2022 đã ghi nhận 1.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết, với 95 ổ dịch tại tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố; đã ghi nhận có 152 trường hợp mắc tay - chân - miệng.
Để chủ động kiểm soát có hiệu quả, chủ động phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để xảy ra dịch chồng dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc và tử vong, ngày 28/7/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành văn bản số 4267/UBND-VX về việc việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết; tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn. Thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Sở Y tế và các cơ quan chuyên môn liên quan; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết; xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
2. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, phối hợp với địa phương xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ động phối hợp, hướng dẫn nội dung tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch, vệ sinh phòng bệnh cho các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan để thực hiện tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân hiểu và thực hiện. Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông tại trường học về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tuyên truyền hướng dẫn các em học sinh thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết tại trường học, gia đình và cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Đảm bảo dự trữ, cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế,… phục vụ phòng chống dịch và điều trị. Chỉ đạo đơn vị y tế tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết. Báo cáo thường xuyên, kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra hỗ trợ các đơn vị, địa phương; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch bệnh thuộc thẩm quyền; báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời đối với các vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định và hệ thống Đài truyền thanh cơ sở phối hợp với ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong nhà trường, đặc biệt là truyền thông hướng dẫn các em học sinh tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại trường học, cộng đồng, rửa tay bằng xà phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn của ngành Y tế.
5. Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác truyền thông phòng chống dịch; mua hóa chất khử khuẩn, thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch và điều trị, bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên  phối hợp với các cấp chính quyền chủ động, tích cực vận động người dân tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch sốt xuất huyết và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn của ngành Y tế.
7. Đề nghị các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp tốt với Sở Y tế trong công tác giám sát, phát hiện, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, góp phần khống chế, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh.  
Thực hiện văn bản trên, Giám đốc Sở Tư pháp đã triển khai đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp biết thực hiện./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây