1. Quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng về công tác y tế, nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết Đại hội XIII. Đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Làm việc phải thực chất, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo lời dạy của Bác Hồ và 12 điều y đức; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, làm giàu y lý, nâng cao y thuật. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân là công việc chung của toàn hệ thống chính trị với nòng cốt là ngành Y tế. Các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cần quan tâm đầu tư nguồn lực, dành nhiều thời gian chỉ đạo, phối hợp tích cực với ngành Y tế để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phát huy tinh thần đoàn kết; càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải đoàn kết. Tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành, địa phương về công tác y tế, trước hết là trong phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung hạn và dài hạn. Phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện, cả y tế công lập và y tế tư nhân.
2. Tiếp tục tập trung, quyết liệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, theo chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh. Thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả các nội dung về y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là thực hiện đồng bộ 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, hội đoàn thể, địa phương chủ động phối hợp đẩy mạnh việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo các chỉ tiêu tiêm chủng và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 của cơ quan, đơn vị, địa phương.
3. Quan tâm động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Sở Y tế, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện và tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức khen thưởng, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm.
4. Bảo đảm đủ thuốc, vật tư hóa chất, trang thiết bị y tế. Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tăng cường phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư hóa chất, trang thiết bị y tế nhằm bảo đảm đủ thuốc, vật tư hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân. Sở Y tế chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư hóa chất, trang thiết bị y tế; chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, kết nối, công khai thông tin về đấu thầu; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
5. Củng cố và phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.
6. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế của tỉnh tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm vận hành hiệu quả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh và nâng cao sự hài lòng của người bệnh ở các tuyến; phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; phát huy lợi thế y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe; tăng cường công tác đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; có giải pháp, chương trình nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến cơ sở nhất là trạm y tế, phát triển mô hình bác sỹ gia đình.
7. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính y tế.
8. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền theo tinh thần “truyền thông chủ động, đi trước” để toàn xã hội đồng thuận, tham gia thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; đặc biệt là thông tin về tình hình và biện pháp phòng, chống dịch, tiến độ tiêm vắc-xin; kịp thời phản bác, đấu tranh chống các luận điệu, thông tin xấu độc; khẳng định sự nỗ lực, thành quả đạt được của ngành Y tế, củng cố hình ảnh “thầy thuốc như mẹ hiền”.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, các hiệp hội, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đồng hành, quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ ngành Y tế của tỉnh phát triển bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Thực hiện văn bản trên, Giám đốc Sở Tư pháp đã triển khai đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp biết thực hiện./.